'Thả cá chép' - Hành động nhỏ, giá trị lớn
TS Nguyễn Thị Trang - Giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công chia sẻ, việc cúng rồi thả cá chép không đơn thuần là nghi lễ mà còn là một biểu tượng mang đậm chất nhân văn trong văn hóa Việt Nam. “Cá chép được xem như ‘phương tiện’ để các Táo Quân lên trời, gửi gắm mong muốn về một năm mới bình an, thuận lợi”, TS Trang nói.
Ngày 23 tháng Chạp hằng năm, TS Nguyễn Thị Trang dành thời gian cầu mong những điều bình an. Ảnh: NVCC
Điều đặc biệt là ngoài ý nghĩa tâm linh, việc thả cá còn thể hiện lòng hiếu sinh và trách nhiệm của con người với môi trường. “Thả cá chép ở nơi nước sạch, tránh vứt rác hay túi nilon bừa bãi là cách thể hiện sự tôn trọng với thiên nhiên và bảo vệ nét đẹp của phong tục này”, TS Nguyễn Thị Trang nhấn mạnh.
Mâm cơm cúng ngày 23 tháng Chạp.
Chính những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn này đã giúp ngày Táo Quân không chỉ là một nghi lễ truyền thống mà còn là một bài học sâu sắc về lòng nhân ái và ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.
Gia đình - 'linh hồn' của ngày Táo Quân
Đối với Chu Hoa Bảo Trâm (trường ĐH Ngoại thương), ngày Táo Quân là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau: “Gia đình mình luôn cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ cúng. Điều quan trọng không phải là sự cầu kỳ mà là lòng thành kính và cảm giác ấm áp khi mọi người cùng làm việc”.
Chu Hoa Bảo Trâm (trường ĐH Ngoại thương).
Những món đơn giản như xôi, gà luộc hay chè không chỉ phục vụ nghi lễ mà còn chứa đựng tình cảm gia đình. Việc cùng nhau chia sẻ công việc, từ dọn dẹp bàn thờ đến thắp hương, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ và giúp giữ gìn mạch nối văn hóa truyền thống.
Giới trẻ và nhiệm vụ giữ lửa truyền thống
Lê Huyền Trang (trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) khẳng định, để duy trì ý nghĩa ngày Táo Quân, trước tiên, các bạn trẻ cần hiểu rõ giá trị văn hóa của phong tục này. “Khi đã hiểu, bạn sẽ cảm thấy tự nhiên muốn giữ gìn và trân trọng những nghi lễ như vậy. Tham gia các hoạt động chuẩn bị mâm cỗ hay thả cá chép cùng gia đình không chỉ là cách bảo tồn văn hóa mà còn giúp gắn kết tình thân”, Huyền Trang chia sẻ.
Lê Huyền Trang (trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội).
Theo Huyền Trang, mạng xã hội có thể trở thành công cụ hữu ích để giới trẻ lan tỏa ý nghĩa của phong tục này: "Hãy dùng sức ảnh hưởng của mình để chia sẻ những hành động đẹp, những câu chuyện ý nghĩa xoay quanh ngày Táo Quân. Đó là cách hiện đại nhưng rất hiệu quả để gìn giữ truyền thống".
Ngày Táo Quân - nhịp cầu kết nối hiện đại và truyền thống
Mặc dù lối sống bận rộn khiến nhiều người trẻ có thể không đặt nặng nghi lễ, nhưng đối với những ai hiểu được ý nghĩa ngày Táo Quân, đây vẫn là dịp quan trọng. TS Nguyễn Thị Trang tin rằng: “Phong tục cúng Táo Quân không chỉ là nghi lễ, mà còn là biểu tượng của sự kết nối – giữa gia đình, giữa con người và thiên nhiên, giữa quá khứ và hiện tại”.
Nhóm sinh viên hỗ trợ người dân thả cá dịp 23 tháng Chạp. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU
Bằng cách thực hiện những hành động nhỏ như thả cá đúng cách, tham gia cùng gia đình chuẩn bị lễ cúng, hay lan tỏa thông điệp ý nghĩa qua mạng xã hội, giới trẻ đang viết tiếp câu chuyện về ngày Táo Quân trong một bối cảnh mới. Hơn cả một nghi lễ, đó là cách họ giữ gìn và làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc, truyền lại cho thế hệ sau một cách trọn vẹn và ý nghĩa.
Dương Triều