Trong hệ thống tư tưởng triết học Phật giáo Đại thừa, bản thể luận là một nội dung trung tâm, mang tính nền tảng trong việc giải thích sự hiện hữu của vũ trụ và nhân sinh.
Phật giáo không tiếp cận bản thể theo nghĩa tuyệt đối, cố định như nhiều trường phái triết học phương Tây, mà nhìn nhận bản thể trong mối tương quan duyên khởi, vô ngã và vô thường.
Bản thể trong Phật giáo không chỉ là khái niệm siêu hình, mà là nguyên lý sống động, gắn liền với phương pháp tu tập và giải thoát.
Kinh A Di Đà, một bản kinh thuộc hệ thống Tịnh độ tông, tuy ngắn gọn, nhưng hàm chứa nhiều lớp nghĩa sâu sắc. Không chỉ là bản văn mang tính tín ngưỡng phổ thông, Kinh còn phản ánh rõ nét tư tưởng bản thể luận của Phật giáo Đại thừa qua cách mô tả cõi Cực Lạc, danh hiệu Phật A Di Đà và các biểu tượng đặc trưng như “bốn thứ diệu bảo”.
Việc nghiên cứu bản thể luận trong Kinh A Di Đà sẽ góp phần thể hiện chiều sâu của hệ tư tưởng Nhất thừa, Pháp giới duyên khởi, nền tảng triết học cốt lõi của Đại thừa Phật giáo.
1. Khái lược về bản thể luận Phật giáo
(Ảnh: Internet)
1.1. Bản thể luận là gì
1.1.1. Khái niệm
Thuật ngữ bản thể luận (Ontology) có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa là “học thuyết về tồn tại” hay “học thuyết về tồn tại tự thân nó”. Đây là một khuynh hướng chủ đạo của triết học phương Tây cổ đại.
Trong lịch sử triết học, trước thế kỷ XVII, thuật ngữ “bản thể luận” chưa được xuất hiện với tư cách một khái niệm mà chỉ dưới dạng những tư tưởng mang tính tương đồng, những tư tưởng về tồn tại. Tên gọi “bản thể luận” chỉ được xuất hiện lần đầu tiên tại thế kỷ XVII.
Trong triết học trước Mác, “bản thể luận” được hiểu là “triết học đầu tiên”, là học thuyết về sự tồn tại nói chung nên cùng nghĩa với siêu hình học - một hệ thống những định nghĩa phổ biến có tính chất tư biện về tồn tại.
Khái niệm bản thể luận được dùng trong các trường phái triết học phương Tây trước Mác có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, bản thể luận dùng để chỉ bản chất tối hậu của mọi tồn tại, mà bản chất này phải thông qua nhận thức luận mới có thể nhận thức được. Bản thể luận theo nghĩa hẹp, tức là trong bản thể luận theo nghĩa rộng lại có hai nội dung. Một là nghiên cứu khởi nguyên và kết cấu của vũ trụ. Hai là nghiên cứu bản chất của vũ trụ. Cái thứ nhất là vũ trụ luận, cái thứ hai là bản thể luận. Phần lớn các trường phái triết học trước Mác thường hiểu theo nghĩa rộng,
1.1.2. Những luận đề cơ bản
Một luận đề cơ bản của bản thể luận là “Cái gì tồn tại?”. Các luận đề khác thường được đề cập bao gồm:
+ Tồn tại là gì? Tồn tại có phải là một thuộc tính? Khi nói một vật nào đó không tồn tại thì điều đó có ý nghĩa gì? Liệu tồn tại có phải đúng là điều khẳng định hay đã được xác nhận? Liệu các câu diễn tả một vật nào đó tồn tại hay không tồn tại có đúng là một mệnh đề khẳng định hay xác nhận?
+ Một đối tượng hữu hình là gì? Có ai có thể diễn tả sự tồn tại của một vật thể hữu hình hay nói rằng một đối tượng tồn tại thì có ý nghĩa gì?
+ Khi nói một đối tượng vô hình tồn tại thì điều đó có ý nghĩa gì?
+ Cái gì cấu thành nên sự đồng nhất của một đối tượng? Khi nào đối tượng không tồn tại, được xem xét trong sự đối lập với thay đổi?
+ Những đặc điểm nào của một đối tượng là cơ bản, được xem xét trong sự đối lập với các thuộc tính ngẫu nhiên của một đối tượng? Các thuộc tính hay các quan hệ của một đối tượng là thế nào và các thuộc tính hay các quan hệ của một đối tượng liên với bản thân đối tượng như thế nào?
+ Tại sao chúng ta lại đang ở đây? Tại sao lại có một cái gì đó tồn tại chứ không có cái “không có gì”?
1.2. Bản thể luận Phật giáo
Triết học Phật giáo sử dụng khái niệm bản thể với tư cách là bản thể luận để luận giải về khởi nguyên và bản chất của tồn tại.
Theo quan niệm của Phật giáo, bản thể là “Căn bản tự thể của các pháp”, mà “Pháp là từ chỉ chung hết thảy mọi sự vật, hiện tượng, dù là to nhỏ, hữu hình, vô hình, chân thực, hư vọng. Sự vật cũng là vật, đạo lý cũng là vật, tất thảy đều là pháp”. Theo Kinh Hoa Nghiêm, thế giới bản thể gọi là lý pháp giới, thế giới hiện tượng gọi là sự pháp giới, như nước với sóng. Như vậy, bản thể vừa là tâm thức, vừa là vật chất, là cội nguồn hay thực tại cuối cùng mà trên đó vũ trụ được hình thành. Bản thể chỉ ra bản chất, thực tướng của thế giới vạn pháp, của mọi sự tồn tại. Từ bản thể hay chân không, do vô minh, vọng động mà xuất hiện chúng sinh. Các chúng sinh sau khi giải thoát nhờ nỗ lực tu tập sẽ trở về với bản thể.
Bản thể luận Phật giáo được trình bày qua năm giáo thuyết về Duyên khởi:
(Ảnh: Internet)
Một là “Nghiệp cảm duyên khởi”. Giáo nghĩa này thuộc hệ thống A Tỳ Đàm, vì một trong những tư tưởng trọng yếu của A Tỳ Đàm là lý thuyết về nghiệp. Đặc biệt là trong A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận, Đại Luận sư Thế Thân đã diễn giải rất tinh tường về quan điểm nghiệp. Trong quá trình từ nghiệp nhân đến nghiệp quả, yếu tố duyên vô cùng quan trọng, vì nếu thiếu duyên thì ngay cả nghiệp nhân cũng không thể hình thành huống gì đến nghiệp quả. Và không phải chỉ có sự hiện hữu của tâm thức hay con người mới bị chi phối bởi nghiệp, sự có mặt của vạn vật vạn hữu, thế giới chung quanh cũng do nghiệp chiêu cảm.
Hai là “A Lại Da duyên khởi”. Học thuyết này cho rằng thức A Lại Da là căn nguyên của việc hình thành và duy trì sự tồn tại của căn thân và thế giới. Hay nói cách khác, căn thân và thế giới hay vũ trụ và nhân sinh đang có là nương vào thức A Lại Da mà sinh khởi và tồn tại. Giáo nghĩa này đã được nói đến trong Kinh Giải Thâm Mật, Luận Du Già Sư Địa, Duy Thức Tam Thập Tụng…
Ba là “Chân Như (Như Lai tạng) duyên khởi”. Hệ thống giáo nghĩa “Chân như duyên khởi” ra đời nhắm vào trọng tâm diễn giải một cách đầy đủ căn nguyên và sự hiện hữu của cả hai bình diện chân như và sinh diệt mà đại biểu chính là Kinh Lăng Già, Kinh Thắng Man, Luận Đại Thừa Khởi Tín của Bồ tát Mã Minh. Như Lai Tạng là thai tạng giới cưu mang cả chân như và pháp sinh diệt. Bất giác vô minh thì pháp sinh diệt khởi sinh. Trực ngộ chân tính thì chân như hiển lộ. Nương vô minh nên các pháp tiếp tục huân tập chủng tử sinh diệt, rồi điên đảo hư vọng trôi lăn trong ba cõi sáu đường.
Quy về chân tính, phản tác tự kỷ, liễu ngộ nguồn chơn, như thật hướng tâm về chính giác, dứt trừ vọng niệm, xả bỏ tác nghiệp điên đảo, thì chấm dứt vòng sinh tử khổ não. Cho nên, chơn hay vọng, giác hay mê đều từ một nguồn gốc mà ra, rồi cũng về cùng một nơi chốn. Nơi chốn ấy chính là Như lai tạng tâm, vốn bất sinh bất diệt, không khứ không lai, đầy đủ trí đức không hề suy giảm.
Bốn là “Lục Đại duyên khởi”. Các nhà Mật tông cho rằng pháp giới được tựu thành do sáu duyên lớn: Địa, thủy, hỏa, phong, không và thức. Về mặt pháp tướng thì lục đại xem như có sự sai biệt trên dạng thức hiện hữu, nhưng về mặt pháp tính thì lục đại dung thông vô ngại, nghĩa là ở trong pháp giới lục đại đều có mặt khắp cả mà không hề trái chống nhau, cho nên, mới có sự tựu thành kỳ diệu của tất cả các pháp từ hữu tình đến vô tình. Cũng trên mặt pháp tính, Phật và chúng sinh vốn bình đẳng không sai biệt.
Năm là “Pháp Giới duyên khởi”. Theo giáo nghĩa này thì sự hiện hữu của một pháp trong ý nghĩa duyên khởi chính là mối tương quan tương duyên trùng trùng vô tận trong pháp giới. Một pháp như thế, tất cả pháp cũng như thế. Vì vậy pháp giới hay toàn bộ vũ trụ - nhân sinh là một màng lưới tương quan tương duyên không cùng tận trong thời gian và không gian. Giáo nghĩa này đã được phô diễn đến chỗ tinh mật trong Kinh Hoa Nghiêm và về sau trong Tông Hoa Nghiêm.
2. Bản thể luận Phật giáo trong Kinh A Di Đà
2.1. Khái lược về Kinh A Di Đà
Kinh A Di Đà hay Phật thuyết A Di Đà Kinh có tên gọi đầy đủ là “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm Kinh”, thuộc truyền thống Đại thừa Phật giáo. Ngày nay, Kinh A Di Đà có bốn truyền bản.
Hình minh họa tạo bởi AI.
Một, bản Phạn văn Devanagari. Truyền bản này được phân thành 20 bản, và hiện có trong Buddhist Sanskrit Text với phiên âm thành Phạn ngữ La-tinh là Sukhavativyuh, được in trong bộ Anecdut Oxoniencia Aryan Serries của Max Muller và Bunyiu Nanjio, Vol 1, Part II, Oxford, 1883.
Hai, bản Phạn văn La-tinh. Bản Phạn văn La-tinh của đại học Oxford và Jodoshu có tên là The smaller Sukhvativyuha, cũng phân thành 20 đoạn.
Ba, bản dịch Hán văn của Ngài Cưu-ma-la-thập. Bản này được Ngài Cưu-ma-la-thập dịch với tên Phật thuyết A Di Đà Kinh vào năm 404 TL, được tìm thấy ở động Đôn Hoàng. Hiện đang có ở Đại chính 12, số hiệu 366, trang 346.
Bản dịch của Ngài Cưu-ma-la-thập được các nhà Phật học Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam xem như là định bản để làm chú sớ giải thích.
Bốn, bản dịch Hán văn của Ngài Huyền Trang. Bản của Ngài Huyền Trang có tên là Xưng tán Tịnh độ Phật nhiếp thọ Kinh, được dịch vào năm 650. Và bản này đã bổ sung thêm nhiều chi tiết mà bản dịch của Ngài Cưu-ma-la-thập lược bớt.
2.2. Bản thể luận Phật giáo trong Kinh A Di Đà
2.2.1. Bản thể luận qua thể chất của Kinh
Kinh A Di Đà lấy “thực tướng” (tức bản thể) làm thể chất chính của bộ Kinh. Thực tướng theo tư tưởng của Phật giáo Đại thừa là tâm tính của mỗi một con người. Tâm tính của con người chỉ hiện ra trong một niệm (một loáng, một sát-na). Ðối với không gian nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở giữa. Ðối với thời gian, nó chẳng phải quá khứ, chẳng phải hiện tại, chẳng phải vị lai. Ðối với màu sắc, nó chẳng xanh, vàng, đỏ, trắng… Ðối với hình thức, nó chẳng phải dài, ngắn, vuông, tròn… Ðối với phẩm chất, nó chẳng phải Hương, chẳng phải Vị, chẳng phải Xúc, chẳng phải Pháp…
Tìm tâm tính ấy mãi chẳng thể thấy được, mà chẳng thể nói rằng nó là cái không thực có; tâm tính ấy tạo ra vũ trụ nhân sinh nhưng cũng chẳng thể bảo rằng nó là cái thực có. Nó không phải là hình tướng của những cái do suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, bằng chữ viết, câu văn; nhưng những cái mình suy nghĩ, phân biệt, nhận biết bằng lời nói, chữ viết, câu văn đều không có tự tính nếu không có nó.
Tóm lại, tâm tính hay bản thể chẳng phải là hết thảy mọi hình tướng, mà nó tức là hết thảy mọi pháp (mọi sự, mọi vật). Vì nó chẳng phải là mọi hình tướng, cho nên nó không có hình tướng; nhưng nó tức là mọi pháp cho nên hình tướng nào nó cũng có. Vốn dĩ nó không có danh tự nhưng phải miễn cưỡng gọi nó là “Thực tướng”.
Thể chất của Thực tướng chẳng phải yên lặng (bản thể), chẳng phải soi sáng (hiện tượng), nhưng lại vẫn là yên lặng và thường soi sáng, vẫn soi sáng mà thường yên lặng. Hay nói cách khác, Thực tướng (bản thể tối hậu) chẳng phải là không (bản thể), chẳng phải là có (hiện tượng), nhưng nó cũng chính là không, là có.
Vì nó có mà không, nên miễn cưỡng gọi nó là bản thể tức cảnh giới Thường Tịch Quang của cõi Cực Lạc của Phật A Di Đà. Vì nó không mà có, nên miễn cưỡng gọi nó là hiện tượng tức là Thanh Tịnh Pháp Thân (Thân Pháp Tính Trong Sạch) của Phật A Di Đà.
Theo Kinh A Di Đà, Thực tướng hay bản thể tối hậu gồm cả không (bản thể) và có (hiện tượng).Tính không (bản thể) và có (hiện tượng) này chẳng phải là hai.
Hay nói cách khác vũ trụ và nhân sinh chẳng phải là hai. Cái gì cũng là Thực tướng cả. Thực tướng không phải là hai, cũng không phải là chẳng hai.
Bởi thế, cho nên có khi toàn thể cái Thực Tướng ấy, cái thì tạo ra đời sống nhân sinh, cái thì tạo ra thế giới vũ trụ. Cái gì cũng là “nét in” của “con dấu” Thực tướng đã in ra cả.
2.2.2. Bản thể luận qua danh hiệu đức Phật A Di Đà.
Danh hiệu của đức Phật A Di Đà có nghĩa Hán văn là “Vô Lượng Quang” và “Vô Lượng Thọ”. “Vô Lượng Quang” có nghĩa là “ánh sáng vô lượng”. Trong Kinh A Di Đà có đoạn: “Ánh sáng của Đức Phật vô cùng vô tận. Ánh sáng ấy soi khắp các nước suốt cả mười phương, không đâu chướng ngại, vì thế, nên gọi A Di Ðà.” Như vậy, đứng về phương diện triết học thì “Vô Lượng Quang” chính là thuật ngữ Phật học dùng để chỉ danh từ “không gian” trong khoa học. Còn “Vô Lượng Thọ” có nghĩa là “sống lâu vô cùng”.
Trong Kinh A Di Đà có đoạn: “Phật kia cùng với nhân dân của Ngài, sống lâu vô cùng đến bao nhiêu kiếp không thể kể xiết. Vì thế nên gọi là A Di Ðà.” Như vậy, “Thọ” chính là phạm trù “thời gian”. Cho nên, “Quang” và “Thọ” trong Kinh chính là đề cập đến toàn bộ vũ trụ và nhân sinh trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Hay nói cách khác, cặp phạm trù “Quang – Thọ” chính là nói đến bản thể hay thực tướng.
Bản thể hay thực tướng này, trong Phật giáo Đại thừa gọi là “tự tính Bồ-đề”, hay Như Lai tạng tính, Phật tính, tính tịnh Niết-bàn, Đệ nhất nghĩa đế, Bản lai diện mục,…
Điều này chứng minh rằng tư tưởng bản thể trong Kinh A Di Dà thuộc về giáo nghĩa “Pháp Giới duyên khởi” của bản thể Luận Phật giáo.
2.2.3. Bản thể luận qua “bốn thứ diệu bảo” trong Kinh
Bốn thứ diệu bảo trong kinh là Kim (vàng), Ngân (bạc), lưu ly (ngọc lưu ly), mã não (thạch anh), biểu hiện cho bốn thuộc tính của bản thể theo tư tưởng của Kinh A Di Đà. Bốn thuộc tính ấy là “Thường - Lạc - Ngã - Tịnh”. Thường là tự tính chân thật vốn có nơi hết thảy chúng sinh, không biến đổi bởi không gian và không bị biến hoại bởi thời gian. Lạc là do tự tính của hết thảy chúng sinh có đầy đủ vô lượng công đức, và từ công đức ấy mà biểu hiện vô lượng, vô số niềm vui không cùng tận. Ngã là tự tính chân thật tự tại, châu biến cùng khắp, viên dung vô ngại. Tịnh là tự tính xưa nay vốn tĩnh lặng, suốt trong, không ô nhiễm... Như vậy, theo Kinh A Di Đà, thực tướng hay bản thể có bốn thuộc tính là “không biến đổi, an lạc, rộng lớn, tĩnh lặng”.
Như vậy, bản thể được trình bày trong Kinh A Di Đà chính là Thực tướng. Quan điểm về Thực tướng này vốn nằm trong giáo nghĩa “Pháp giới duyên khởi” của bản thể luận Phật giáo. Chính vì vậy, bản thể theo Kinh A Di Đà là không thuộc về tính không (bản thể) và cũng không thuộc về có (hiện tượng) mà cả hai phạm trù này vốn dĩ như hai mặt của một đồng tiền. Một đồng tiền hoàn chỉnh là một đồng tiền gồm đủ cả hai mặt.
Thực tướng hay bản thể tối hậu trong kinh A Di Đà chính là một chỉnh thể bao gồm cả tính không (bản thể) và tính có (hiện tượng).
Hai mặt này là cùng một thể không tách rời. Hay nói cách khác toàn thể vũ trụ và nhân sinh, ngay tự bản thân của cả hai đều chính là Thực tướng hay bản thể tối hậu vốn được sinh khởi theo nguyên lý “trùng trùng duyên khởi”. Tư tưởng về bản thể này trong Phật giáo Đại thừa được xem là tư tưởng cao nhất.
Tác giả: Nguyễn Khoa Ngọc Thùy (Thích nữ Quảng Minh)
Khóa sinh Cao học khóa III - Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế