Bản tin 2/11: Đề xuất chi hơn 256.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa

Bản tin 2/11: Đề xuất chi hơn 256.000 tỷ đồng để phát triển văn hóa
2 tháng trướcBài gốc
Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng (Ảnh: Media Quốc hội).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là 256.250 tỷ đồng.
Cụ thể tại chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 1/11 Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng.
Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chương trình trong 11 năm, từ năm 2025 đến năm 2035.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát, trong đó, có các mục tiêu cụ thể:
Đến năm 2030 đạt 9 nhóm mục tiêu cụ thể: Hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam được triển khai thực hiện trên cả nước thông qua các bộ quy tắc ứng xử.
Phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Bảo tàng, Thư viện), 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa - Thể thao đạt chuẩn, đảm bảo vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã, thôn.
Phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo.
Không để học sinh không được tiếp cận với giáo dục di sản văn hóa
Sáng 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) cho ý kiến về mục tiêu của chương trình.
Tại nội dung thành phần của chương trình thứ nhất về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, chỉ tiêu trong tờ trình của Chính phủ là 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu này.
"Theo tôi nên là 95%. Thiết nghĩ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên hiện nay các cơ sở giáo dục đều tổ chức các hoạt động này trong môi trường đào tạo. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì một trong những nguyên nhân đạt được là phải xuất phát từ các cơ sở giáo dục", bà Hằng Nga nêu ý kiến.
Từ ngày 1/11, ngành đường sắt chỉ còn duy nhất 1 công ty vận tải
Từ ngày 1/11, Công ty cổ phần (CTCP) Vận tải Đường sắt sẽ chính thức đi vào hoạt động. Doanh nghiệp này được thành lập trên cơ sở hợp nhất CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn theo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về cơ cấu tổ chức, Công ty sẽ gồm có 8 phòng, 17 Chi nhánh trực thuộc và cơ sở tại Tp.Hồ Chí Minh, trong đó có 4 Chi nhánh Toa xe, 2 Chi nhánh Đoàn tiếp viên đường sắt và 11 Chi nhánh Vận tải Đường sắt.
Trụ sở CTCP Vận tải Đường sắt đặt tại địa chỉ 130 đường Lê Duẩn, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Bộ máy lãnh đạo Công ty gồm Hội đồng quản trị có 5 thành viên do ông Đỗ Văn Hoan làm Chủ tịch HĐQT; Ban điều hành có 5 thành viên do ông Đào Anh Tuấn làm Tổng Giám đốc.
Trúc Chi (t/h)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ban-tin-2-11-de-xuat-chi-hon-256000-ty-dong-de-phat-trien-van-hoa-204241101174753033.htm