Bản tin chính sách kinh doanh tuần 20/2025

Bản tin chính sách kinh doanh tuần 20/2025
7 giờ trướcBài gốc
Quốc hội thảo luận về sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án trọng điểm
Theo chương trình kỳ họp thứ 9, sáng 16/5, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, dự thảo nghị quyết gồm 7 chương và 17 điều quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; áp dụng cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo dự thảo nghị quyết, số lần thanh tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (nếu có) không được quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề xuất doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).
Dự thảo nghị quyết quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, dự thảo nghị quyết, Nhà nước mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.
Sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng
Ngày 15/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố một số thông tin về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản đảm bảo; luật hóa quy định về kê biên tài sản đảm bảo của bên phải thi hành án; luật hóa quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Việc luật hóa các quy định này được thực hiện dưới hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất 0%/năm, không có tài sản đảm bảo. Đảm bảo việc tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tổ chức để luật hóa một số quy định trên các cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn cũng như chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, kịp thời xử lý các vướng mắc, khó khăn của người dân và doanh nghiệp thông qua việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Quốc hội xem xét tăng mức phạt trong các lĩnh vực trọng yếu
Ngày 15/5, Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, Chính phủ kiến nghị tăng mức xử phạt tiền tối đa trong nhiều lĩnh vực có nguy cơ phát sinh vi phạm nghiêm trọng, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và đảm bảo tính răn đe pháp luật.
Các lĩnh vực được đề xuất điều chỉnh bao gồm: phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; đê điều; phòng chống thiên tai; an ninh mạng; và an toàn thông tin mạng. Theo đó, mức phạt tối đa trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, phản ánh là 30 triệu đồng; an ninh trật tự và an toàn xã hội là 75 triệu đồng.
Riêng lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn được đề xuất tăng từ 50 triệu đồng lên 200 triệu đồng; an ninh mạng và an toàn thông tin mạng từ 100 triệu lên 200 triệu đồng; giao thông đường bộ từ 75 triệu lên 150 triệu đồng; đê điều từ 100 triệu lên 250 triệu đồng. Đối với các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao và yêu cầu quản lý nghiêm ngặt như xây dựng, lâm nghiệp, đất đai, thị trường bất động sản, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, mức xử phạt đề xuất là 500 triệu đồng.
Chính phủ cho rằng việc nâng mức xử phạt này là biện pháp cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh, tương xứng với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm. Đồng thời, đây là giải pháp đáp ứng yêu cầu cấp bách trong bối cảnh một số lĩnh vực "nóng" ghi nhận nhiều hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho người dân và xã hội.
Bố trí kinh phí kịp thời cho người lao động khi sắp xếp bộ máy
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 62/CĐ-TTg về việc triển khai thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ.
Đồng thời, chủ động, kịp thời bố trí kinh phí (kể cả nguồn tiết kiệm chi thường xuyên - nếu có) để đảm bảo việc chi trả chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang theo đúng quy định. Sau khi đã sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trường hợp còn thiếu, kịp thời có báo cáo đề xuất gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung kinh phí thực hiện.
Đề xuất mức lương tối thiểu vùng sau sáp nhập
Tại dự thảo Nghị định về phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ, Bộ Nội vụ đã đề xuất Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn địa bàn cấp xã thuộc tỉnh để áp dụng cụ thể mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, UBND tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường. Việc áp dụng phải bảo đảm mức lương tối thiểu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.
Nghị định dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến 28/2/2027.
Thanh An
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-chinh-sach-kinh-doanh-tuan-20-2025-317939.html