Bản tin sáng 14/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành 7.000 tỷ đồng xây trường nội trú cho học sinh vùng khó khăn

Bản tin sáng 14/7: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành 7.000 tỷ đồng xây trường nội trú cho học sinh vùng khó khăn
12 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Dành 7.000 tỷ đồng xây trường nội trú cho học sinh vùng khó khăn
Ngày 13/7, tại buổi tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ với cán bộ ngành giáo dục và khoa học công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ dành khoảng 7.000 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên để xây dựng hệ thống trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo.
Đây là chủ trương lớn được thực hiện theo định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, nhằm bảo đảm điều kiện học tập, sinh hoạt cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Năm nay, ngân sách sẽ dành ít nhất 3% cho lĩnh vực này, và năm tới là 5%. Chính phủ cũng đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 100.000 kỹ sư, đồng thời xây dựng cơ chế ưu đãi về thuế, phí và tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thủ tướng khẳng định: “Muốn phát triển bền vững, phải quan tâm đến giáo dục, nhân tài và hạ tầng khoa học - công nghệ”.
Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý
Ngày 13/7, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định 727 hướng dẫn quy trình bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, quy trình được chia làm hai nhóm: 5 bước với nhân sự tại chỗ và 3 bước với nhân sự từ đơn vị khác.
Với công chức trong nội bộ, quy trình gồm: tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo; hội nghị mở rộng để giới thiệu nhân sự bằng phiếu kín; hội nghị lần hai tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu; lấy ý kiến cán bộ chủ chốt; cuối cùng là hội nghị lần ba để biểu quyết chọn nhân sự đề nghị bổ nhiệm. Việc lựa chọn phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, dân chủ, người được giới thiệu phải đạt tối thiểu 50% số phiếu đồng thuận.
Với nhân sự từ ngoài cơ quan, quy trình gồm ba bước: lấy ý kiến nơi dự kiến bổ nhiệm; lấy phiếu nơi nhân sự đang công tác và thẩm định, trình cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp còn ý kiến khác nhau, Bộ phận tổ chức phải tổng hợp báo cáo đầy đủ để cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chính quyền địa phương 2 cấp: Vận hành cơ bản hanh thông sau 2 tuần triển khai
Ngày 13/7, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đánh giá tình hình triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết sau hai tuần vận hành, mô hình đã cơ bản ổn định. Các địa phương thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, đảm bảo tiến độ và yêu cầu đề ra. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tại TP.HCM, Cần Thơ và các tỉnh khác diễn ra đồng bộ, thận trọng nhưng không cầu toàn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại hội nghị về kết quả ban đầu sau hai tuần vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: Trung Phạm
Nhiều địa phương thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nêu rõ một số vướng mắc như lúng túng trong phân cấp, vận hành trung tâm hành chính công còn hạn chế do hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều nơi vẫn phải xử lý thủ tục thủ công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc chuyển từ chính quyền 3 cấp sang 2 cấp cần thời gian thích nghi nhưng phải hướng tới vận hành trơn tru, hoàn hảo nhất có thể, nhất là ở cấp xã – nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân.
VinSpeed tuyển dụng nhân sự cho hai tuyến đường sắt tốc độ cao trọng điểm
Công ty CP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân sự kỹ thuật và quản lý cấp cao cho hai dự án đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ và Hà Nội - Quảng Ninh.
Cụ thể, VinSpeed đang tìm kiếm các vị trí như: kỹ sư BIM cao cấp, trưởng phòng BIM, chuyên viên chuyển giao công nghệ, trưởng phòng công nghệ đường sắt, kỹ sư xây dựng hầm/cầu, kỹ sư cơ điện và trưởng phòng kỹ thuật. Mức lương các vị trí được thỏa thuận trực tiếp, không công bố công khai.
Tuyến TP.HCM - Cần Giờ dài 48,7 km, thiết kế tốc độ tối đa 350 km/h, tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), đi qua Nhà Bè, vượt sông Soài Rạp, kết nối đô thị lấn biển Cần Giờ, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2025 - 2028.
Tuyến Hà Nội - Quảng Ninh dài khoảng 121 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, gồm 4 - 5 ga, điểm đầu tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, điểm cuối tại Đại Yên (Hạ Long), với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2030.
TP.HCM sẽ có trung tâm dữ liệu trị giá 250 triệu USD, hướng tới trở thành thành phố AI đầu tiên tại Việt Nam
Tập đoàn Công nghệ CMC vừa được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) chấp thuận đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu siêu quy mô với tổng vốn trên 250 triệu USD. Dự án đặt tại SHTP, công suất thiết kế ban đầu 30 MW và có thể mở rộng lên 120 MW trong tương lai.
Trung tâm dữ liệu này đóng vai trò “trái tim” trong hạ tầng công nghệ, cung cấp dịch vụ AI-as-a-Service, Cloud, Big Data và an ninh mạng, phục vụ hàng triệu người dùng. Công nghệ Digital Twin sẽ được tích hợp để mô phỏng, giám sát và tối ưu vận hành theo thời gian thực.
Trung tâm dữ liệu sử dụng nhiều giải pháp tái tạo năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của một Green DC. Ảnh: CMC
Hạ tầng mạng sử dụng công nghệ truyền tải quang DWDM 800G, đảm bảo kết nối tốc độ cao, ổn định và an toàn. Dự án cũng ưu tiên ứng dụng năng lượng tái tạo, đáp ứng tiêu chuẩn trung tâm dữ liệu xanh (Green DC).
Theo Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, trung tâm này sẽ là nền tảng hạ tầng số cho TP.HCM phát triển thành Digital Hub khu vực và là động lực để thành phố trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu cả nước.
Gia Lai đẩy nhanh khởi công khu đô thị 240ha gần sân bay Pleiku
Tỉnh Gia Lai đang xúc tiến hoàn tất thủ tục để khởi công dự án Khu đô thị CK54 quy mô 240ha tại Pleiku, dự kiến vào dịp Quốc khánh 2/9. Đây là dự án có vị trí chiến lược, nằm gần khu quy hoạch sân bay Pleiku, do UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp, với một phó chủ tịch tỉnh được giao phụ trách rà soát toàn bộ hồ sơ.
Theo quy hoạch, Khu đô thị CK54 sẽ là đô thị sinh thái - thông minh, quy mô dân số khoảng 17.000 người, tích hợp các chức năng thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, vui chơi giải trí và thể thao.
Khu đất rộng lớn giữa lòng đô thị Pleiku nằm cạnh sân bay được quy hoạch Khu đô thị CK54, chuẩn bị khởi công trong dịp 2/9 tới. Ảnh: Google Maps
Dự án có vị trí tiếp giáp nhiều tuyến đường huyết mạch như Cách Mạng Tháng Tám và Trần Văn Bình, với định hướng mở rộng tuyến Đông - Tây kết nối từ Tôn Thất Thuyết đến Trần Văn Bình.
Trung tâm của khu đô thị là công viên hồ sinh thái, đóng vai trò điểm nhấn cảnh quan và liên kết với suối Hội Phú. Các khu thương mại, dịch vụ du lịch sẽ bố trí dọc đường Tôn Thất Thuyết, bên cạnh đó là không gian nhà ở thấp tầng, công viên và hạ tầng xã hội đồng bộ.
TP.HCM chọn 38 trung tâm phục vụ hành chính công giải quyết thủ tục phi địa giới
Tại Hội nghị về chính quyền địa phương 2 cấp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 13/7 tại Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết, thành phố sẽ đầu tư xây dựng 38 trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục phi địa giới, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Được, TP.HCM đã thần tốc triển khai mô hình chính quyền 2 cấp, với 168 xã, phường và 15 sở, ngành vận hành ổn định từ ngày 1/7. Hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ, cổng 1022 hoạt động hiệu quả, nhận được phản hồi tích cực từ người dân.
Tuy nhiên, cấp xã còn gặp khó khăn do việc phân cấp chưa đồng đều. Để khắc phục, thành phố sẽ bố trí cán bộ hướng dẫn trực tiếp.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ca Linh
Giải pháp trọng tâm là triển khai 38 trung tâm hành chính công, sử dụng trụ sở cũ của các quận, huyện trước đây, được đầu tư đầy đủ hạ tầng và nhân sự. Mỗi trung tâm sẽ tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính không phân biệt địa giới.
TP.HCM sẽ sơ kết vào cuối năm 2025 để đánh giá khả năng mở rộng ra toàn bộ 168 xã, phường, đặc khu.
Khánh Hòa phát động phong trào thi đua “Ngày không in giấy” thúc đẩy chính quyền số
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch triển khai mô hình chính quyền điện tử, chính quyền số không giấy, gắn với công cụ đánh giá hiệu quả công việc bằng chỉ số KPI.
Theo đó, từ ngày 15/7 đến 15/8/2025, Sở Nội vụ được giao chủ trì phát động phong trào thi đua 30 ngày đêm với chủ đề “Ngày không in giấy” và “Tuần làm việc không văn bản giấy”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị sự nghiệp và UBND cấp huyện đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình xử lý công vụ, đảm bảo liên thông, đồng bộ và minh bạch trên môi trường số. Toàn bộ hồ sơ công việc phải được giải quyết trực tuyến, hướng tới xây dựng mô hình chính quyền không giấy tờ.
Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm rà soát hạ tầng công nghệ, hoàn thiện hệ thống phần mềm ứng dụng, đảm bảo vận hành ổn định, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ mô hình chính quyền số, gắn với các chỉ số đánh giá năng lực cán bộ công chức qua hệ thống KPI.
Từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ bị cấm trong Vành đai 1 Hà Nội
Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành ngày 12/7, TP. Hà Nội phải triển khai lộ trình loại bỏ xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch khỏi khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.
UBND TP. Hà Nội được yêu cầu lập đề án vùng phát thải thấp trong quý III/2025, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng. Thành phố cũng phải phát triển giao thông công cộng đa phương thức, mở rộng mạng lưới xe buýt điện, tàu điện, trạm sạc năng lượng sạch và đầu tư hệ thống đường sắt đô thị theo Nghị quyết 188/2025/QH15.
Chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh sẽ được ban hành trước ngày 30/9/2025, bao gồm ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất phương tiện năng lượng sạch và hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Hà Nội cũng được giao nghiên cứu điều chỉnh các loại phí đối với phương tiện chạy xăng trong khu trung tâm.
Lộ trình tiếp theo sẽ mở rộng hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 2 từ năm 2028, và Vành đai 3 từ năm 2030, tiến tới xây dựng thủ đô xanh và bền vững.
EU và Mexico nỗ lực ứng phó thuế mới 30% từ Mỹ trước ngày 1/8
Ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trumpbất ngờ tuyên bố áp mức thuế 30% đối với hàng hóa từ EU và Mexico, có hiệu lực từ ngày 1/8. Động thái này khiến cả hai nền kinh tế lúng túng, buộc phải khẩn trương tìm giải pháp đối phó.
Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đang xem xét biện pháp trả đũa nếu đàm phán thất bại. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cảnh báo mức thuế mới sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương và gây tổn hại cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng hai bên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11/7. Ảnh: AFP
Mặc dù Brussels từng hy vọng đạt thỏa thuận miễn thuế với Mỹ trong một số lĩnh vực, bức thư của ông Trump gửi các lãnh đạo EU và Mexico đã được xem như “tối hậu thư”, yêu cầu EU mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa Mỹ hoặc chuyển sản xuất sang Mỹ nếu muốn tránh thuế.
Phía Mexico gọi đây là “động thái bất công”. Bộ trưởng Kinh tế Marcelo Ebrard nhấn mạnh nước này đang đàm phán với Mỹ, đồng thời chuẩn bị phương án bảo vệ doanh nghiệp nội địa nếu mức thuế có hiệu lực, đặc biệt với ngành ô tô và thiết bị điện, lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/ban-tin-sang-14-7-thu-tuong-pham-minh-chinh-danh-7-000-ty-dong-xay-truong-noi-tru-cho-hoc-sinh-vung-kho-khan-319905.html