TP.HCM sắp mở lối đi trực tiếp từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3
Để giảm ùn tắc và cải thiện kết nối giao thông tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM dự kiến sẽ mở lối rẽ trái từ đường Cộng Hòa vào đường C12 trong tháng 6/2025. Giải pháp này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xe cá nhân và xe dịch vụ tiếp cận trực tiếp nhà ga T3.
Sở Xây dựng TP.HCM đang phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu phương án tổ chức lại giao thông tại giao lộ Cộng Hòa - C12, đồng thời lấy ý kiến từ Công an TP.HCM, Ban An toàn giao thông và các đơn vị liên quan trước khi triển khai thực hiện.
Về lâu dài, thành phố còn triển khai xây dựng hầm chui tại nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, thuộc dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, dự kiến hoàn thành trước năm 2028. Khi hoàn tất, hệ thống giao thông tại các tuyến đường trọng điểm sẽ được kết nối đồng bộ, giảm thiểu tình trạng ùn tắc kéo dài tại khu vực cửa ngõ ra vào sân bay.
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù thu hút tư nhân đầu tư đường sắt
TP.HCM vừa có văn bản góp ý dự thảo nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về khuyến khích kinh tế tư nhân, trong đó có cơ chế đặc thù để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án đường sắt.
Dự thảo nghị quyết đề xuất cho phép UBND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hoặc chỉ định đối với các dự án đô thị phát triển theo mô hình TOD. Đặc biệt, cơ chế mới cho phép huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư đường sắt quốc gia và đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó Nhà nước đảm bảo chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không tính vào tỷ lệ vốn góp.
Thành phố cũng đề xuất bổ sung hai tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và TP.HCM - Cần Giờ vào danh mục dự án kèm theo nghị quyết để triển khai nhanh, đúng định hướng phát triển mạng lưới giao thông chiến lược. Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành có tổng mức đầu tư sơ bộ gần 90.000 tỷ đồng, dự kiến sử dụng vốn ngân sách trung ương theo chủ trương đã được Bộ Chính trị thông qua.
Sân bay Liên Khương dự kiến tạm đóng cửa 6 tháng để nâng cấp đường băng
Sân bay quốc tế Liên Khương (Lâm Đồng) sẽ tạm ngưng hoạt động khoảng 6 tháng để thực hiện dự án nâng cấp đường băng và đường lăn với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.
Dự án sử dụng kết cấu bê tông xi măng lưới thép thay thế lớp bê tông nhựa đã xuống cấp sau 18 năm khai thác nhằm đảm bảo an toàn bay và nâng cao năng lực vận hành. UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị rút ngắn thời gian thi công từ 8 tháng còn 6 tháng và lựa chọn thời điểm đóng cửa phù hợp, hạn chế ảnh hưởng đến du lịch và kinh tế địa phương.
Hiện thời điểm cụ thể tạm ngừng hoạt động sân bay chưa được ấn định. UBND tỉnh cũng đề nghị ACV nghiên cứu phương án sửa chữa tạm thời trong thời gian chờ triển khai và xem xét đầu tư thêm đường băng thứ hai để chủ động ứng phó trong các giai đoạn bảo trì sau này. Tỉnh kiến nghị thời điểm phù hợp nhất để triển khai là sau năm 2025, khi hoàn tất đại hội Đảng các cấp.
TP.HCM đề xuất Thủ tướng cho phép số hóa toàn diện quản lý vận tải
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố thí điểm chuyển đổi số toàn diện trong cấp phép kinh doanh vận tải, thay thế hoàn toàn việc in ấn phù hiệu và giấy phép bản giấy, nhằm cắt giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được. Ảnh: Châu Tuấn
Theo thống kê, mỗi ngày TP.HCM cấp gần 500 phù hiệu vận tải, có ngày gần 1.000, gây quá tải cho cán bộ và tốn kém chi phí in ấn, lưu trữ, vận chuyển. Doanh nghiệp phải chờ 2 - 3 ngày mới nhận được giấy tờ, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng đông người đến nhận kết quả tại bộ phận một cửa tiềm ẩn rủi ro an ninh trật tự.
Thành phố đề xuất cho doanh nghiệp tự in phù hiệu sau khi được phê duyệt trên hệ thống quản lý vận tải của Bộ Xây dựng, đồng thời chịu trách nhiệm cập nhật trạng thái sử dụng. Thông tin giấy phép sẽ được quản lý, tra cứu bằng mã QR-code.
Chuyển đổi số được kỳ vọng giúp tiết kiệm ngân sách hàng tỉ đồng mỗi năm, giảm thời gian xử lý và nâng cao tính minh bạch, chính xác trong quản lý vận tải.
Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước cho Dự án Đường sắt đô thị số 1 Bình Dương - Suối Tiên
Ngày 18/5/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 969/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, kết nối Thành phố mới Bình Dương với Suối Tiên (TP.HCM).
Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Chủ tịch, cùng sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và đại diện UBND TP.HCM, tỉnh Bình Dương. Bộ Tài chính đóng vai trò cơ quan thường trực, điều phối toàn bộ hoạt động thẩm định.
Các thành viên Hội đồng có trách nhiệm góp ý đúng thời hạn. Việc không phản hồi được xem là đồng thuận và chịu trách nhiệm theo quy định. Hội đồng sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm định để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư.
Dự án tuyến đường sắt dài 29,01 km, đi qua 4 thành phố của tỉnh Bình Dương và kết nối tuyến Metro số 1 TP.HCM, được kỳ vọng thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế vùng Đông Nam Bộ.
Tăng vốn đầu tư dự án Bà Nà - Suối Mơ lên 2 tỷ USD, kỳ vọng thành quần thể du lịch - đô thị tầm quốc tế
Chính phủ vừa chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Quần thể Khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ (Đà Nẵng), nâng tổng vốn đầu tư lên gần 52.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD). Dự án do Tập đoàn Sun Group đầu tư, nhằm phát triển khu vực này thành điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi và làm việc hàng đầu Việt Nam.
Theo quyết định, dự án sẽ được hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, gồm hơn 7.000 phòng khách sạn, các công trình dịch vụ, giải trí, thương mại và bổ sung thêm 2 tuyến cáp treo, nâng tổng số lên 10 tuyến. Đây là một phần trong định hướng phát triển Đà Nẵng thành đô thị sinh thái, thông minh và bền vững đến năm 2050.
Từ 2008 đến 2024, giai đoạn 1 của dự án đã đưa Bà Nà Hills trở thành biểu tượng du lịch quốc tế, thu hút phần lớn khách quốc tế đến thành phố. Việc mở rộng quy mô lên tầm quốc tế kỳ vọng tạo cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch, một trong ba trụ cột kinh tế chủ lực của Đà Nẵng.
Giá cát xây dựng tăng đột biến, nhiều công trình tại Tây Nguyên có nguy cơ đình trệ
Trong hơn một tuần qua, giá cát xây dựng tại Đắk Nông và Đắk Lắk tăng gần gấp đôi, chạm mức 800.000 - 1.000.000 đồng/m³, khiến hàng loạt công trình tạm dừng thi công, nhà thầu và người dân rơi vào thế khó.
Tình trạng khan hiếm bắt nguồn từ việc nhiều mỏ cát trên sông Krông Nô (Đắk Nông) tạm ngưng khai thác do phương tiện hết hạn đăng kiểm, thiết bị hư hỏng hoặc lý do kỹ thuật. Nguồn cung giảm mạnh, chỉ còn khoảng 20 - 30% so với trước. Một số khu vực gần như không còn cát để bán.
Tại Đắk Lắk, giá cát hiện dao động từ 500.000 - 550.000 đồng/m³. Nhiều công trình dân dụng và dự án công buộc phải tạm hoãn, ảnh hưởng tiến độ và gây thiệt hại kinh tế. Một số nhà thầu lo ngại bị xử phạt do chậm bàn giao dự án.
Trước tình hình trên, hai Sở Nông nghiệp và Môi trường của Đắk Lắk và Đắk Nông đang khẩn trương kiểm tra, xác minh nguyên nhân gián đoạn khai thác, đồng thời đề xuất giải pháp khơi thông nguồn cung, ổn định thị trường cát xây dựng trong khu vực.
Thủ tướng: Chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân
Phát biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò động lực của kinh tế tư nhân và cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp khoảng 50% GDP, tạo việc làm, thu nhập và thúc đẩy hội nhập quốc tế. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, đề ra tám nhóm giải pháp đổi mới mạnh mẽ về thể chế, nhân lực và hạ tầng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Gia Hân
Chính phủ cam kết tạo môi trường bình đẳng, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và hạn chế lạm dụng xử lý hình sự với doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ triển khai chương trình đào tạo 10.000 CEO, phát triển doanh nghiệp vừa, lớn và tầm cỡ toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị mọi người dân, mọi thành phần kinh tế tích cực tham gia phong trào làm giàu chân chính, khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia thịnh vượng, bền vững.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình nghệ thuật “Người là Hồ Chí Minh” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tối 18/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dự chương trình nghệ thuật đặc biệt “Người là Hồ Chí Minh”, nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2025).
Chương trình do Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương chỉ đạo, phối hợp cùng Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP. Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và các đơn vị liên quan tổ chức, thu hút hàng ngàn khán giả tham dự.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật "Người là Hồ Chí Minh". Ảnh: Thanh Tùng
Chương trình kết hợp độc đáo giữa tư liệu lịch sử, hoạt cảnh sân khấu và các tiết mục âm nhạc thính phòng, cách mạng và hiện đại. Nhiều ca khúc nổi tiếng như Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Dấu chân phía trước, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi và ca sĩ trẻ như Hòa Minzy, Anh Tú, Hoàng Hồng Ngọc.
Chương trình mang đến không khí trang trọng, xúc động và tươi mới, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Chủ tịch Quốc hội: Xây dựng pháp luật phải là “đột phá của đột phá”
Ngày 18/5, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt nội dung Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, khẳng định đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều luật vừa ban hành đã phải sửa đổi, có luật chỉ sau 6 tháng, có luật trong một năm phải sửa đến hai lần. Theo Bộ Tư pháp, 32% văn bản quy phạm pháp luật ban hành 5 năm qua phải sửa trong vòng hai năm. Tư duy pháp luật hiện còn thiên về quản lý, thiếu tính thúc đẩy sáng tạo, chưa theo kịp thực tiễn và xu thế đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Gia Hân
Nghị quyết 66 xác định mục tiêu đến năm 2030 phải hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, nâng cao hiệu quả thực thi, hướng đến trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, phấn đấu có hệ thống pháp luật chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, khuyến khích sáng tạo, đảm bảo quyền tự do kinh doanh và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong hệ thống pháp luật tiến bộ và linh hoạt.
Hưng Nhật