Đề xuất 9 cơ chế, chính sách đặc thù
Sáng 19/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku và dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Về dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, Chính phủ trình Quốc hội đầu tư tuyến đường bộ cao tốc mới với chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, chia thành 2 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh. Ảnh: Như Ý
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 43.734 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện, sẽ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.
Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 3 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, 5 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và 1 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách đặc thù này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của dự án.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng 3.714 tỷ đồng
Về cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư dự án, với chiều dài 53,7 km đường cao tốc, tốc độ thiết kế 100 km/h; quy mô 4 - 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.837 tỷ đồng, chia thành 3 dự án thành phần.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: Như Ý
Về nguồn vốn, Chính phủ đề nghị điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng (tăng 3.714 tỷ đồng).
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị điều chỉnh nguồn vốn theo hướng ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỷ đồng (tăng 2.854 tỷ đồng); ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỷ đồng (tăng 860 tỷ đồng).
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho rằng, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng 3.714 tỷ đồng (tương đương khoảng 20,8%) là khá lớn.
Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát các chi phí tăng, giảm của dự án và phân tích, bổ sung để làm rõ hơn việc tăng, giảm các chi phí này, nhằm bảo đảm tính chính đáng, hợp lý trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ hơn nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.
Một số ý kiến cho rằng, thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, 2 địa phương này sẽ được sáp nhập vào các đơn vị hành chính mới nên có thể ảnh hưởng đến khả năng bố trí và điều phối nguồn vốn địa phương theo kế hoạch.
Do đó, đề nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND các địa phương làm cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm bảo đảm bố trí đủ vốn cho dự án.
Luân Dũng