Sáng 19-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp 9, Quốc hội nghe Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh báo cáo về hai dự án cao tốc.
Gồm chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh. Ảnh: QH
Đề xuất áp dụng 9 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt
Đối với dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, theo báo cáo, việc sớm đầu tư Dự án là cấp thiết nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, phân bổ lại và tạo ra không gian mới phục vụ phát triển kinh tế cũng như phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông.
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có điểm đầu tại quốc lộ 19B thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km, trong đó đoạn qua Bình Định 40 km, qua Gia Lai 85 km.
Cao tốc có 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m, tốc độ thiết kế 100 km/giờ; tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 43.730 tỉ đồng.
Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030 để thực hiện dự án.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Dự án.
Cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết để thực hiện dự án, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng chính cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.
“Để bảo đảm tiến độ, hiệu quả cho dự án thì việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là cần thiết” – Chủ nhiệm Phan Văn Mãi nói và đánh giá 9 nhóm do Chính phủ đề xuất là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho hay một số chính sách đã được điều chỉnh so với các chính sách tương tự được áp dụng cho một số dự án thời gian qua,
“Đề nghị thuyết minh làm rõ hơn việc điều chỉnh một số chính sách này. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách áp dụng, bảo đảm các cơ chế chính sách này khả thi, phù hợp đối với tính chất, mục tiêu của Dự án” – theo Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi. Ảnh: QH
Đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án thêm 3.714 tỉ đồng
Về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho hay dự án dài gần 53,7 km, quy mô 4-6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.800 tỉ đồng. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đầu tư đoạn ba (dự án thành phần 3); Bộ GTVT làm chủ đầu tư đoạn hai dài 18,2 km (dự án thành phần 2); tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư đoạn còn lại 16 km (dự án thành phần 1).
Nguồn vốn đầu tư cho dự án gồm ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 11.000 tỉ đồng; ngân sách địa phương là 3.270 tỉ đồng (Đồng Nai là 2.600 tỉ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu là 670 tỉ đồng); ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỉ đồng.
Các địa phương được giao chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm nguồn vốn ngân sách địa phương. Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng hoặc giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỉ lệ vốn góp (50%) chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án.
Dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn năm 2026.
Tuy nhiên, ông Trần Hồng Minh cho biết Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án từ 17.837 lên 21.551 tỉ đồng (tăng 3.714 tỉ đồng). Trong đó, dự án thành phần 1 là 6.693 tỉ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 3.481 tỉ đồng); dự án thành phần 2 là 7.642 tỉ đồng và dự án thành phần 3 là 7.216 tỉ đồng.
Điều chỉnh nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 17.124 tỉ đồng (tăng 2.854 tỉ đồng). Trong đó ngân sách trung ương là 12.144 tỉ đồng, ngân sách địa phương là là 4.980 tỉ đồng (Đồng Nai là 2.969 tỉ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.011 tỉ đồng); ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 là 4.427 tỉ đồng (tăng 860 tỉ đồng).
Nêu lý do đề xuất mức tăng này, Bộ trưởng Bộ GTVT nói do phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư xây dựng có biến động lớn, giá cả nguyên vật liệu tăng...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng 3.714 tỉ đồng tương đương khoảng 20,8% sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội quyết định là khá lớn. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát các chi phí tăng, giảm của dự án và phân tích, bổ sung để làm rõ hơn việc tăng, giảm các chi phí này nhằm bảo đảm tính chính đáng, hợp lý trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Đáng chú ý, về chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng khoảng 3.227 tỉ đồng (khoảng 49% so với dự toán ban đầu). Trong đó, dự án thành phần 1 giảm 108 tỉ đồng, dự án thành phần 2 tăng 647 tỉ đồng, dự án thành phần 3 tăng 2.688 tỉ đồng.
Cũng theo cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng thuyết minh tại Tờ trình về việc tăng chí phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án còn chung chung. Do đó, đề nghị làm rõ hơn các chi phí tăng, giảm (tăng giá đất, tăng do bổ sung nút giao Mỹ Xuân - Ngãi Giao...) và thực trạng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tại các địa phương.
NHÓM PHÓNG VIÊN