Đề xuất sử dụng khoảng 43.734 tỷ đồng vốn ngân sách để xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku

Đề xuất sử dụng khoảng 43.734 tỷ đồng vốn ngân sách để xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku
4 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh báo cáo tại phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế do có tài nguyên thiên nhiên phong phú; nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc; đất đai màu mỡ, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, cao su và cây ăn quả; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, Tây Nguyên có lợi thế trong giao thương và trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tỉnh Bình Định là trung tâm kinh tế, chính trị lớn trong khu vực Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thương quốc tế. Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tập trung phát triển mạnh Khu kinh tế Nhơn Hội, đây là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và đô thị sinh thái.
Hệ thống giao thông kết nối khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum với Bình Định và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu bằng tuyến đường bộ, thông qua các tuyến quốc lộ như: 19, 24 và 25; vận tải đường thủy không có điều kiện phát triển; vận tải đường sắt không hiệu quả do chênh lệch địa hình, chi phí đầu tư rất cao; vận tải hàng không chủ yếu phục vụ vận tải hành khách cự ly dài tới khu vực phía Bắc và phía Nam. Việc kết nối khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum với Bình Định và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ bằng đường bộ thông qua các tuyến quốc lộ như hiện nay chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư do thời gian và chi phí vận tải còn cao nên chưa phát huy tốt lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch của khu vực tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai đầu tư tuyến cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông và một số tuyến cao tốc trục ngang Đông Tây như: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025 nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, tạo tiền đề, động lực phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và địa phương. Vì vậy, việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku là có thể đặt ra.
Theo ông Minh, việc đầu tư Dự án phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 bổ sung, với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên của Quốc hội; phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ; phù hợp với Quy hoạch của các ngành, các vùng và các địa phương có liên quan.
Về phạm vi đầu tư, theo Chính phủ, điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc địa phận Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài khoảng 125 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 40 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85 km. Dự án đi qua địa phận thị xã An Nhơn và huyện Tây Sơn thuộc tỉnh Bình Định; thị xã An Khê, huyện Đắk Pơ, huyện Mang Yang, huyện Đắk Đoa và thành phố Pleiku thuộc tỉnh Gia Lai.
Quy mô đầu tư với 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường là 24,75 m. Tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc, tương ứng với vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 942,15 ha, gồm đất trồng lúa khoảng 189,92 ha (trong đó đất lúa trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 181,31 ha); đất lâm nghiệp khoảng 257,35 ha (trong đó đất rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 94 ha); các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai khoảng 494,88 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 491 hộ.
Theo Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 43.734 tỷ đồng. Nguồn vốn đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2025, hoàn thành dự án năm 2029.
Sơ bộ tác động môi trường: ngoài việc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng khoảng 257,35 ha rừng sang mục đích khác, Dự án đã sơ bộ dự kiến các giải pháp pháp giảm thiểu tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và vận hành khai thác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
Để sớm hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án được áp dụng một số cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù áp dụng để triển khai.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho biết, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước từ các nguồn như: Tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024; Ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt “Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công”.
Tuy nhiên ông Mãi nêu rằng, theo Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công và Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực về một số nội dung trọng tâm về công tác phòng, chống lãng phí đã xác định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công “Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.
“Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án”, ông Mãi nói.
Việt Thắng
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/de-xuat-su-dung-khoang-43-734-ty-dong-von-ngan-sach-de-xay-dung-duong-bo-cao-toc-quy-nhon-pleiku-10306110.html