Hiện trạng đoạn cao tốc qua phường Hắc Dịch, TP Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 4. Ảnh: Quỳnh Danh.
Sáng 19/5, theo chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku và Tờ trình về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
2 dự án cao tốc tổng vốn hơn 65.000 tỷ
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có tổng mức đầu tư sơ bộ 43.734 tỷ đồng. Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030.
Tuyến cao tốc có điểm đầu tại Quốc lộ 19B (thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh (thuộc TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) với chiều dài khoảng 125 km.
Dự kiến dự án được thực hiện trong giai đoạn 2025-2029. Khi hoàn thành, dự án sẽ hình thành trục ngang Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống trục dọc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng...
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày hai tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.
Về tờ trình điều chỉnh vốn dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Chính phủ đề xuất điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ dự án từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng.
Trong đó, dự án thành phần 1 là 6.693 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 3.481 tỷ); dự án thành phần 2 là 7.642 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.354 tỷ); và dự án thành phần 3 là 7.216 tỷ đồng (chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 4.021 tỷ đồng).
Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 17.124 tỷ đồng, tăng 2.854 tỷ đồng.
Yêu cầu không để dự án đội thêm vốn
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết Chính phủ đề xuất chia dự án thành 2 dự án thành phần, theo địa giới hành chính của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai.
Tuy nhiên, dự kiến tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, khi đó dự án sẽ nằm trọn trong địa bàn một tỉnh, do dó, đề nghị nghiên cứu phương án phân chia dự án thành phần phù hợp với chủ trương sáp nhập tỉnh, năng lực quản lý của địa phương, yêu cầu kỹ thuật của dự án nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của toàn bộ dự án.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra hai tờ trình. Ảnh: Quochoi.
Về nguồn vốn, Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách từ các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2024; Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, Chính phủ cũng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là "Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công".
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho biết theo Quy định số 189-QĐ/TW ngày 8/10/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công và Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu đã xác định những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công, gây lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công: "Quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn".
Do đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ căn cứ quy định của Luật Đầu tư công hiện hành báo cáo bổ sung việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2026-2030 có rất nhiều dự án lớn đồng thời được triển khai cũng được đề xuất sử dụng các nguồn vốn trên (đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...)
Do đó, Ủy ban thẩm tra đề nghị Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo cân đối tổng thể các nguồn dự kiến phân bổ cho các dự án trong 2 giai đoạn, tránh việc chồng lấn nguồn kinh phí dự kiến và khi triển khai thực hiện không bảo đảm khả năng huy động và chi trả. Đồng thời, cần tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.
Với Tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội đánh giá đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cơ bản đáp ứng các yêu cầu quy định của Luật Đầu tư công, đồng thời cơ bản nhất trí với đề xuất điều chỉnh này.
Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng 3.714 tỷ đồng, tương đương khoảng 20,8% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được Quốc hội quyết định, là khá lớn, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các chi phí tăng, giảm của dự án và phân tích, bổ sung để làm rõ hơn việc tăng, giảm các chi phí này nhằm bảo đảm tính chính đáng, hợp lý trong việc đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính khả thi, khả năng bố trí vốn cho việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong điều kiện ngân sách Nhà nước đồng thời phải thực hiện rất nhiều dự án quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, Chính phủ phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và cam kết bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án và xác định thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng, không để tiếp tục xảy ra tình trạng tăng vốn đối với dự án.
Quang Thắng