Bàn về tinh gọn bộ máy nhà nước

Bàn về tinh gọn bộ máy nhà nước
một ngày trướcBài gốc
Người làm đi làm thủ tục hành chính tại quận Bình Tân. Ảnh: Lê Vũ
Vai trò và chức năng của nhà nước
Vai trò của nhà nước là để cải thiện hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn lực trong xã hội (sửa chữa các khuyết tật/thất bại của thị trường) và cải thiện công bằng xã hội. Nhà nước thực hiện vai trò của mình thông qua ba chức năng gồm: tối thiểu, trung gian và tích cực. Cụ thể về vai trò và chức năng của nhà nước được thể hiện ở bảng 1.
Về cơ bản, tất cả nhà nước trên thế giới đều thực hiện các chức năng nêu trên. Tuy nhiên, ở các mức độ khác nhau. Các nước càng phát triển thì nhà nước càng thực hiện vai trò toàn diện hơn. Điều này có nghĩa là quy mô của nhà nước cũng tăng theo mức độ phát triển của các quốc gia.
Quy mô và hiệu quả khu vực công của Việt Nam
Quy mô của khu vực công được đo bằng nhân sự so với dân số và chi ngân sách so với GDP. Hiệu quả của khu vực công được đo bằng điểm số quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB). Một số chỉ tiêu về quy mô và hiệu quả khu vực công của Việt Nam so sánh với một số nước trong khu vực được thể hiện ở bảng 2 và so sánh với toàn cầu được thể hiện ở hình 1, 2, 3.
So với bình diện toàn cầu, kết quả của Việt Nam là tốt. Tuy nhiên, so với các nước hiệu quả hơn, nhất là các nước trong khu vực, thì không gian cải thiện của Việt Nam vẫn còn. Về mặt nhân sự, tính tổng thể có thể cắt giảm khoảng 10% hay 400.000 người nếu lấy Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc làm tham chiếu.
Lấy GDP/người là thước đo phát triển của các quốc gia thì Việt Nam hạng 102/152 nước trong nhóm so sánh. Việt Nam đang chạm ngưỡng cao của nhóm nước có thu nhập trung bình thấp và năm 2025 có thể bước vào ngưỡng thấp của nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, quy mô và hiệu quả của khu vực công là tốt hơn bình quân chung toàn cầu với tham chiếu là sự phát triển. Điểm số quản trị của Việt Nam hạng 61/152 (điểm số càng cao càng tốt), nhân sự khu vực công trên dân số (càng thấp càng tốt) hạng 31/91, và chi ngân sách/GDP (càng thấp càng tốt) hạng 24/125.
Trong nhóm so sánh 10 nước ở bảng 2, GDP/người Việt Nam xếp thứ 9, trong khi hiệu quả quản trị hạng 7, nhân sự hạng 6 và chi ngân sách hạng 3. Như vậy, một cách tương đối, kết quả của Việt Nam là cao hơn bình quân của nhóm so sánh.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 2022, tổng số lao động khu vực công của Việt Nam là 4,23 triệu người, chiếm 7,9% tổng số lao động của cả nước. Con số này bao gồm cả lực lượng vũ trang và lao động trong các doanh nghiệp nhà nước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2022, có 4 triệu người làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước, chiếm 7,9% tổng số lao động đang làm việc của cả nước (tương đương với số thống kê chính thức của Trung Quốc). Con số này bao gồm cả những người làm trong các doanh nghiệp nhà nước (1 triệu người) mà không hưởng lương từ ngân sách, tuy nhiên có thể có một số số liệu không rõ ràng như lực lượng vũ trang.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, vào ngày 31-12-2022, tổng số cán bộ công chức và viên chức của Việt Nam là 2,25 triệu người. Thống kê này không bao gồm một số lĩnh vực như lực lượng vũ trang, những người làm trong các doanh nghiệp nhà nước.
Nhắm vào nhóm các quốc gia hiệu quả, cụ thể trong trường hợp này là Singapore, Nhật Bản và Trung Quốc thì quy mô nhân sự khu vực công của Việt Nam có thể giảm từ 44 người/1.000 dân xuống khoảng 40 người/1.000 dân. Mức giảm là 10%. Như vậy với hơn 4 triệu người làm trong khu vực công hiện tại, nếu nhắm đến các nước hiệu quả trong khu vực thì khả năng cắt giảm tối đa vào khoảng 400.000 người.
Quy mô chi tiêu ngân sách của Việt Nam thấp hơn bình quân chung của thế giới. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi ngân sách so với GDP của Việt Nam năm 2022 bằng 18,8% GDP, khá thấp so với bình quân chung của thế giới và các nước trong nhóm so sánh (hình 3). Con số của một số quốc gia trong khu vực gồm: Singapore 15,4%, Indonesia 17,5%; Thái Lan, 24,3%, Malaysia 24,8%, Philippines 25,9%; Hồng Kông 28,2%; Hàn Quốc 28,7%; Trung Quốc 33,4% và Nhật Bản 44,1%.
Dự toán ngân sách năm 2023 của Việt Nam bằng khoảng 20% GDP. Tuy nhiên, số chi tiêu thực tế chỉ tương đương với số thống kê của IMF.
Với các yếu tố khác không đổi, với mức chi thường xuyên (tương ứng với số nhân sự) chiếm khoảng 70% ngân sách. Giả sử Việt Nam có thể cắt giảm được 10% nhân sự khu vực công thì mức chi ngân sách của Việt Nam sẽ còn hơn 17% GDP. Tuy nhiên, các nhu cầu chi khác cho sự phát triển và đảm bảo an sinh xã hội là lớn. Giả sử nhân sự được cắt giảm và khả năng huy động ngân sách đạt 25% GDP thì ngân sách sẽ có một khoản đáng kể cho đầu tư phát triển và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Những việc cần làm
Những phân tích ở trên cho thấy, quá trình sắp xếp và tinh gọn bộ máy của Nhà nước trong thời gian tới của Việt Nam sẽ tập trung chủ yếu vào việc cơ cấu lại để tập trung nhân sự và ngân sách cho những nơi hiệu quả và cắt giảm những nơi kém hiệu quả. Đây là vấn đề rất thách thức sau khi việc sáp nhập và sắp xếp lại các cơ quan nhà nước được thực hiện. Sau đây là một số vấn đề cần lưu ý.
Thứ nhất, xác định rõ nguyên tắc Nhà nước chỉ làm những việc mà thị trường không làm hoặc làm không hiệu quả. Đây là vấn đề có tính nền tảng trong việc xác định vai trò của Nhà nước.
Thứ hai, lấy hiệu quả là thước đo. Của cải của xã hội được tạo ra chủ yếu từ những nơi hiệu quả nhất. Do vậy, nguồn lực xã hội (bao gồm nhân sự và ngân sách của khu vực công) nên được tập trung vào đó để có thể làm cho cái bánh của cả xã hội lớn hơn, từ đó mỗi người sẽ có phần nhiều hơn.
Thứ ba, giảm thiểu sự chồng chéo và giẫm chân lên nhau. Sau khi xác định rõ những việc Nhà nước cần làm, việc tiếp theo là xác định bộ máy tổ chức và chức năng của các cơ quan. Công việc theo nguyên tắc một đơn vị chịu trách nhiệm một vấn đề. Các chức năng tương tự nhau thì nên đưa về một đầu mối.
Thứ tư, lấy số liệu quốc tế và số liệu thực tiễn của những nơi hiệu quả của Việt Nam làm chuẩn để sắp xếp lại. Về cơ bản thì chức năng của nhà nước là tương tự nhau ở các quốc gia như thể hiện ở bảng 1. Do vậy, cần thống kê nhân sự so với dân số của các lĩnh vực và các địa phương ở các nước có trình độ phát triển tương tự và cao hơn Việt Nam để làm cơ sở, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore. Thêm vào đó, cần đánh giá các lĩnh vực, các địa phương ở Việt Nam để tìm ra những nơi hiệu quả và hợp lý để làm cơ sở bố trí đội ngũ nhân sự.
Thứ năm, giảm thiểu tối đa sự giật cục, ách tắc và trì hoãn những công việc cần làm. Xáo trộn khi sắp xếp lại bộ máy là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, quá trình sắp xếp cần hết sức lưu ý để đảm bảo hệ thống vẫn được vận hành trơn tru và ổn định, thực hiện tốt những chức năng của nhà nước.
Tóm lại, tinh gọn và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước là một trong những việc phải làm và làm cho bằng được đối với Việt Nam. Để có thể đạt được mục tiêu thì cách tiếp cận cần dựa vào khoa học, tham khảo kinh nghiệm bên ngoài với những chứng cứ và số liệu để làm căn cứ cho việc đưa ra các quyết định và triển khai.
Huỳnh Thế Du
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/ban-ve-tinh-gon-bo-may-nha-nuoc/