Bản vùng cao khởi sắc

Bản vùng cao khởi sắc
9 giờ trướcBài gốc
Nậm Mạ theo tiếng Thái nghĩa là “nước ngựa” vì trước kia ở xã có nhiều suối và ngựa thường tập trung ra đây uống nước. Và dân tộc Thái đã lập bản, lập mường, định cư tại nơi ấy.
Dân tộc Thái có lối sống gắn với sông nước và làm ruộng lúa nên các đồng ruộng của bà con luôn gần suối để tiện cho việc lấy nước tưới tiêu. Từ đánh bắt tôm cá, nước sinh hoạt, sản xuất hoặc đơn giản là những trò chơi tuổi thơ cũng từ sông suối mà ra. Nhưng theo thời gian, cuộc sống dần thay đổi; thóc, ngô làm ra không đủ ăn vì người dân chỉ quen làm 1 vụ, trông chờ vào điều kiện tự nhiên là chính, trong khi đó gia đình thì đông con, có hộ gần chục người con. Cái ăn đã vậy, cái mặc cũng không khấm khá gì, vải vóc mà đời trước để lại đã dùng hết, muốn có vải để may mặc thì phải lên chợ huyện mua hoặc ra thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Thế là nông sản làm ra vừa để chi tiêu trong gia đình; chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu, phó mặc vào tự nhiên...
Đói nghèo khiến nhận thức người dân hạn chế, việc đi học của con trẻ ít được quan tâm. Điện, sóng điện thoại chưa có ở hầu hết các bản, việc tiếp cận với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hạn chế, vì vậy, bọn tội phạm thường lợi dụng để lôi kéo, dụ dỗ, gây mất an ninh, mất đoàn kết dân tộc. Những năm trước tái định cư, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 80%, cuộc sống người dân khó khăn, vất vả.
Một góc xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ) hôm nay.
Năm 2005, Thủy điện Sơn La bắt đầu xây dựng, mức nước dâng lên, và đó cũng là lúc người dân trong xã bắt đầu di cư để tránh ngập. Thời điểm đầu, nhiều người không đồng tình, vì không muốn rời bỏ quê hương, đất sản xuất; với quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, cấp ủy, chính quyền xã tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp bà con hiểu rõ về ý nghĩa của việc làm thủy điện, khi di vén lên nơi ở mới, cuộc sống sẽ tốt hơn. Từ đó, người dân tin tưởng và đến năm 2008, việc di dân đã hoàn thành.
Lên nơi ở mới với quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, người dân ở 4/4 bản của xã không ngại khó khăn, cùng chung tay xây dựng bản. Bà con dựng nhà, góp công sức đổ bê-tông đường giao thông nông thôn, làm nhà văn hóa. Với diện tích được phân lô từ 300 - 350m2, ngoài dựng nhà, người dân dành một khoảng diện tích nhỏ để trồng rau, xây chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Đặc biệt, bà con từng bước tiếp cận với làm kinh tế theo hướng khoa học hiện đại, không còn nhỏ lẻ, lạc hậu.
Đất sản xuất được khai hoang, mở rộng, đến nay đạt gần 500ha, trong đó có 210ha trồng lúa, nương 2 vụ với các giống chất lượng, đưa tổng sản lượng mỗi vụ đạt gần 800 tấn. Còn lại là trồng sắn, cây ăn quả, rau màu các loại đều mang lại năng suất cao. Nông sản làm ra không chỉ đủ dùng mà còn dư thừa để xuất bán và làm giống cho vụ sau. Không chỉ trồng trọt theo hướng khoa học mà chăn nuôi cũng phát triển khi xuất hiện nhiều mô hình: trâu vỗ béo, bò sinh sản, gà, vịt siêu trứng, lợn thịt… Đặc biệt, người dân đã khai thác lợi thế của địa phương có lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng. Đến nay, toàn xã có 140 lồng bè nuôi thủy sản, sản lượng nuôi và đánh bắt đạt gần 100 tấn/năm.
Có được kết quả trên là nhờ ý chí tự lực, tự cường, quyết thay đổi, biết xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng đời sống kinh tế mới. Không chỉ có lớp trẻ tích cực học tập, nâng cao trình độ mà cả những người cao tuổi tham gia học các lớp dạy nghề, học hỏi, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Anh Lò Văn Sơn ở bản Nậm Mạ nói: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của dân bản thay đổi rất nhiều. Trong cộng đồng, việc gì dân bản cũng giúp đỡ nhau, đoàn kết hoàn thành các công việc, góp phần xây dựng lối sống văn minh, bản văn hóa. Giờ đây, trong bản không còn hộ nghèo, ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bản sắc truyền thống được giữ gìn, các bản luôn duy trì đội văn nghệ, thường xuyên chỉnh trang đô thị để xây dựng bản du lịch cộng đồng. Những ngày lễ hội, tết cổ truyền, người dân cùng vui chơi thể thao, múa hát, tăng tình đoàn kết. Đến nay, xã có 4/4 bản, 348/386 hộ đạt danh hiệu văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 18%, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm 2024. Ngoài ra, an ninh giữ vững, sức khỏe cộng đồng nâng lên.
Anh Hồ Văn Thơi - Chủ tịch UBND xã nhận định: Diện mạo của xã Nậm Mạ từng bước đổi thay, đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Xã sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp để cuộc sống nhân dân thêm khởi sắc, bản làng văn minh. Phấn đấu trong 2 đến 3 năm tới, xã không còn hộ nghèo.
Thái Hà
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/b%E1%BA%A3n-v%C3%B9ng-cao-kh%E1%BB%9Fi-s%E1%BA%AFc1