Ảnh minh họa: Hoàng Huy.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã điều chỉnh bảng giá đất hiện hành và gia hạn thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Đồng thời, bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.
Theo bảng giá đất mới, các tuyến đường có giá đắt nhất ở Hà Nội đều tập trung ở khu vực phố cổ, quận Hoàn Kiếm với giá đất ở VT1 là 695,3 triệu đồng/m2, bao gồm Hàng Ngang, Hàng Đào, Lê Thái Tổ, Đinh Tiên Hoàng và Hàng Khay.
Các tuyến đường đắt giá thứ hai sau điều chỉnh là Hàng Gai và Hàng Đường, với giá đất ở VT1 đồng loạt là 480,2 triệu đồng/m2. Kế đến là phố Hàng Bài và Tràng Tiền có giá 448,2 triệu/m2. Xếp sau là đường Tràng Thi với 425 triệu/m2.
So với bảng giá đất cũ, những tuyến phố như Hàng Ngang, Hàng Đào có giá đất cao gấp 3,7 lần. Giá đất tại các tuyến này cũng cao hơn so với bảng giá đất điều chỉnh tại TP HCM công bố hồi tháng 10/2024, khi tại TP HCM giá cao nhất là 687 triệu đồng/m2 thuộc các đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1).
Cũng theo bảng giá đất mới ở Hà Nội, đất ở đô thị khu vực nội thành thấp nhất thuộc địa bàn quận Hà Đông với 25,6 triệu đồng/m2, trong khi mức giá cũ là 4,5 triệu đồng/m2.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, bảng giá mới giúp giảm bớt chênh lệch, đưa giá đất ở Thủ đô dần tiếp cận với thị trường. Điều này giúp thiết lập chính sách đồng bộ trong quản lý đất và hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng và người có nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án. Nhờ đó, thu ngân sách tăng qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Sở này cũng khẳng định bảng giá điều chỉnh không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất. Ngược lại còn góp phần tích cực trong giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư.
Đối tượng đầu cơ sẽ phải cân nhắc
Dưới góc nhìn của Savills Việt Nam, việc điều chỉnh bảng giá đất của Hà Nội sẽ góp phần làm bình ổn giá. Giá bất động sản tại Hà Nội vẫn tăng trưởng theo cơ học xuất phát từ các yếu tố tự nhiên như nhu cầu sử dụng, thu nhập người dân cải thiện, gia tăng dân số, và tốc độ đô thị hóa.
Tuy nhiên, để có sự gia tăng đột biến trong thời gian tới là ít có khả năng xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đẩy giá lên cao trước đây chủ yếu là do hoạt động đầu cơ mua đi bán lại.
Đối tượng này hiện nay phải cân nhắc kỹ hơn khi tham gia vào thị trường, khi mức tăng giá của bất động sản phải đủ cao hơn so với chi phí vốn, chi phí sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như chi phí thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được tính trên bảng giá đất mới sát hơn với thị trường.
Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ có tác động tích cực đến các bên tham gia trong các dự án phát triển bất động sản.
Về phía người dân có đất trong dự án quy hoạch, họ sẽ nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng, sát với giá trị thị trường, giảm thiểu các tranh chấp xã hội.
Về phía chủ đầu tư, việc thương thảo và giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện thuận lợi và nhanh chóng hơn.
Đổi lại, các doanh nghiệp sẽ phải có tiềm lực tài chính tốt, có nghiên cứu và tính toán bài toán đầu tư kỹ lưỡng để xây dựng phương án phát triển tối ưu để đưa ra thị trường các dự án có quy mô đủ lớn với hạ tầng đồng bộ và tiện ích nổi bật thì mới thu hút được khách hàng và đạt được giá bán như kỳ vọng.
Hoàng Huy