Bâng khuâng chợ tết...

Bâng khuâng chợ tết...
3 giờ trướcBài gốc
Những phiên chợ ngày tết đặc trưng với nhiều loại hàng hóa.
Nếu “điểm danh” những phong vị đặc trưng ngày tết, sao có thể thiếu đi những buổi chợ phiên. Ở đó, là cả một không gian tết với những sắc màu rất riêng. Hơn cả một địa điểm giao thương, những phiên chợ ngày cận tết còn như một “điểm hẹn".
Cứ mỗi độ tháng Chạp về khiến cảm giác thời gian trôi nhanh hơn. Cũng phải, đó là chặng cuối của một “nhịp” thời gian trong vòng quay tuần hoàn của đất trời. Chạp về cũng giục giã người ta phải gấp gáp, gói ghém công việc nhanh hơn, cả việc sắm sửa cũng nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà những phiên chợ ngày cận tết trở nên rộn ràng.
Qua rằm tháng Chạp, chợ quê tôi tấp nập hơn bởi các loại hàng hóa. Từ những chuối xanh, mật mía, bưởi, miến dong bày bán hai bên chợ. Tiếng chào mời mua hàng, tiếng trả giá... Bên trong chợ, mùi hương bài của bà cụ Đoan hàng xén thơm ngan ngát khiến ta mê mải. Nhà bà cụ có nghề làm hương truyền thống, đến tận bây giờ ông bà vẫn giữ thói quen làm hương thủ công, tự tay tỉ mẩn se từng que hương... Đi qua thời gian, giữa vô vàn các loại hương bọc trong túi bóng bắt mắt, mùi hăng hắc thì những bó hương bọc giấy, gói mộc mạc của bà cụ Đoan vẫn được nhiều người làng tôi ưa thích.
Một góc chợ quê ngày tết.
Rồi thì ở một góc khác của chợ, các mặt hàng như rổ rá, dần sàng, chiếu cói... cũng thật đông người vào mua. Ngày tết về, người ta không chỉ lo mua bán thực phẩm, đồ ăn, mà còn tranh thủ sắm sửa cho gian bếp, cho căn nhà những đồ đạc mới.
Dĩ nhiên, khác với hàng hóa niêm yết giá cả trong siêu thị, cửa hàng lớn, một thói quen, cũng là niềm vui ở chợ truyền thống, đó là việc trả giá. Nếu người bán đã “đòi” thì người mua cũng chẳng ngại mà “trả”. Và một mức giá sẽ được “chốt” khi cả người bán lẫn người mua đều thấy hài lòng, vui vẻ.
Trong ký ức, tôi nhớ đến nao lòng những phiên chợ tết người chen chân kín lối, bán mua tấp nập. Dường như, cả người bán và người mua đều đang “để dành”, không chỉ là tiền bạc, hàng hóa mà còn cả xúc cảm cho những phiên chợ ngày tết.
Ấy là khi người lớn việc đồng áng đã cơ bản xong xuôi, trẻ con cũng đã được nghỉ học thì cũng là lúc những phiên chợ tết đông vui, nhộn nhịp nhất.
Chợ quê ngày tết nhộn nhịp người bán mua.
Xúng xính trong bộ quần áo mới, chị em tôi theo mẹ đi chợ tết. Không khí buổi chợ ngày hôm ấy mới thật tươi vui, phấn khởi. Bên ngoài đường lớn là đào quất khoe sắc, trong chợ những hoa cúc, hoa lay ơn, thược dược rực rỡ..., hàng cau trầu cũng đông vui không kém. Rồi thì su hào, bắp cải, cà rốt... Nhưng đông nhất có lẽ vẫn là khu hàng thực phẩm và bánh trái chợ quê. Trong cái sự bận rộn, đông đúc và tất bật ấy, người bán, người mua đều vui vẻ.
Lại nói, sau khi được mẹ cho đi chơi, ngắm một vòng quanh chợ, được mua cho những chiếc bánh rán giòn, với dăm nghìn tiền bố cho lúc sáng để đi chợ phiên, chị em tôi trở về nhà với những quả bóng bay xanh đỏ tím vàng thả treo lơ lửng trong nhà. Đợi đến đêm giao thừa thì mang ra ngoài, thả lên nền trời đêm, mang theo niềm vui và ước vọng con trẻ...
Đến chợ ngày tết không chỉ để mua bán hàng hóa, mà còn để người làng gặp gỡ, thăm hỏi nhau. Rằng việc sắm sửa cho tết đến đâu rồi, hôm nào thì gia đình gói bánh chưng... Cứ như vậy, những phiên chợ ngày tết trôi đi qua những năm tháng đời người. Để khi ai đó lớn lên hay già đi, những phiên chợ ngày tết dường như vẫn không mất đi sức hấp dẫn riêng có.
Như mẹ tôi giờ đã có tuổi, bà chẳng thể đi chợ mỗi ngày. Nhưng rồi trong những phiên chợ ngày tết thế này, bà vẫn háo hức lắm. Sự háo hức ấy không phải vì phải sắm sửa gì đó. Có lẽ đơn giản, bà muốn đến chợ chỉ để gặp gỡ những gương mặt người làng thân quen, thăm hỏi nhau đôi lời, xem chợ ngày tết này liệu có khác tết xưa...
KHÁNH LỘC
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/bang-khuang-cho-tet-35055.htm