Việc dán băng miệng nhằm khuyến khích thở bằng mũi trong khi ngủ. (Nguồn: National Geographic)
Một số video đăng tải trên nền tảng TikTok gần đây đã đưa ra hướng dẫn dán kín miệng bằng băng dính để giữ miệng khép lại khi ngủ, được quảng cáo là một cách thức giúp ngừng ngáy, điều trị chứng ngưng thở khi ngủ và cải thiện giấc ngủ.
Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy băng miệng có thể giúp điều trị chứng thở há miệng thường xuyên, chứng ngáy ngủ và một số trường hợp tắc nghẽn nhẹ gây ngưng thở khi ngủ, xảy ra khi đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, khiến mọi người ngừng thở tạm thời.
Nhưng các chuyên gia cho biết vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học về mức độ hiệu quả của phương pháp này, những người nào có thể áp dụng và ai nên tránh sử dụng phương pháp này.
David Kent, Phó Giáo sư Khoa tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết: "Rất có thể, tác dụng riêng lẻ của phương pháp băng miệng là không lớn."
Ý tưởng đằng sau phương pháp băng miệng là khuyến khích việc thở bằng mũi khi ngủ. Con người thở bằng mũi vì đây là hệ thống lọc không khí của cơ thể.
Không khí được hít vào qua lỗ mũi và vào khoang mũi, nơi màng nhầy giữ lại các hạt bụi và mầm bệnh, sau đó các phản ứng không tự chủ như hắt hơi sẽ giúp đẩy các chất ô nhiễm ra ngoài.
Khoang mũi cũng giúp làm ấm và làm ẩm không khí trước khi đi vào phổi, để ngăn ngừa tổn thương hệ hô hấp.
Tuy nhiên, khi bị dị ứng, nghẹt mũi hoặc bất thường về cấu trúc gây ức chế việc thở bằng mũi, mọi người có thể mở miệng một cách không tự chủ khi ngủ để lấy không khí.
Thở bằng miệng có thể tạm thời làm thay đổi cấu trúc giải phẫu ở cổ họng, khiến cổ họng hẹp hơn và dễ bị xẹp.
Về lâu dài, nó có thể gây ra các vấn đề về răng miệng như sâu răng và bệnh nướu răng, rối loạn giấc ngủ, suy giảm chức năng phổi và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những người bị hen suyễn.
Trong một nghiên cứu gần đây, 20 người bị ngưng thở nhẹ khi ngủ và ngáy ngủ đã tham gia vào một bài kiểm tra giấc ngủ tại nhà khi họ bịt miệng bằng băng dính silicon chống dị ứng trước khi đi ngủ.
Những người bị tắc mũi được sử dụng thuốc và bình xịt mũi để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi trước khi dán miệng. Kết quả nghiên cứu cho thấy 65% trong số những người này thấy tình trạng ngáy ngủ và ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn được cải thiện đáng kể.
Dán băng miệng có đem lại hiệu quả nhưng cần tư vấn các bác sỹ khi áp dụng. (Nguồn: Healthline)
Trong hầu hết các trường hợp, băng miệng được coi là phương pháp điều trị ít rủi ro. Mặc dù những người không thể thở bình thường bằng mũi do các vấn đề về giải phẫu hoặc sức khỏe có thể cảm thấy khó chịu khi băng miệng, nhưng nó không gây nguy hiểm ngay lập tức cho hầu hết mọi người. Các chuyên gia cho biết khi không thể hít đủ không khí, hầu hết mọi người sẽ tự thức dậy và tháo băng dính miệng.
Tuy vậy theo chuyên gia Robson Capasso, Trưởng khoa phẫu thuật giấc ngủ tại Trường Y khoa Đại học Stanford, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sỹ, đặc biệt là khi họ không thở tốt bằng mũi và thở bằng miệng khi thức, kể cả khi đang tập thể dục. Ngoài ra, không nên sử dụng băng miệng cho trẻ em hoặc người lớn không thể tự tháo băng.
Các chuyên gia cho biết mối quan ngại chính là mọi người có thể tin tưởng rằng băng miệng là phương pháp có thể thay thế cho các phương pháp điều trị y tế đã được nghiên cứu kỹ lưỡng như sử dụng máy thở áp lực dương liên tục, để điều trị các rối loạn hô hấp như ngưng thở khi ngủ. Điều nầy có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ và mệt mỏi, đồng thời làm tăng một số nguy cơ tim mạch.
Beth Malow, Giáo sư khoa thần kinh và nhi khoa, đồng thời là Giám đốc khoa giấc ngủ của Đại học Vanderbilt cho biết có thể có một tình trạng bệnh lý nào đó gây ra tình trạng thở bằng miệng, đồng thời khuyên mọi người hãy thử thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sỹ vì bạn không nên giấu vấn đề sức khỏe bằng cách dán băng miệng./.
(Vietnam+)