Ở Biên Hòa, không dễ để tìm được nơi bán món bánh canh ngọt. Ảnh: Minh Hạnh
Công thức gia truyền không thể “bật mí”
Người dân hay gọi xe bánh canh này bằng cái tên thân thuộc là “bánh canh ngọt bà Liên”.
Bà Liên cho biết, xe bánh canh này vốn có từ thời mẹ của bà, từ năm 1975. Lúc đó, 2 mẹ con bà gánh hàng bán rong khắp chợ, mãi sau này mới có một chiếc xe đẩy nhỏ. Bà Liên theo mẹ bán hàng từ năm 18 tuổi, đến năm 30 tuổi thì chính thức thay mẹ "tiếp quản".
Tính đến nay, bà đã bán được 37 năm.
Xe bánh canh ngọt đã gắn bó hơn 30 năm với bà Liên. Ảnh: Minh Hạnh
Chỉ là một chiếc xe đẩy nhỏ đơn sơ nhưng khách vẫn tìm đến đều đặn. Nhiều người đã ăn từ thuở bé, đến giờ có gia đình, con cái vẫn ghé mua.
Không giống các loại bánh canh thông thường, sợi bánh canh ngọt của bà Liên được làm hoàn toàn thủ công. Bà tự tay chọn loại gạo ngon, xay bột mỗi ngày vì bột làm bánh canh rất kén gạo, không thể dùng bột có sẵn.
Công đoạn làm sợi bánh canh mất nhiều thời gian và công sức, nhưng bù lại, sợi bánh khi nấu lên mềm dai vừa phải, có mùi thơm của gạo, không bị bở. "Nước lèo" bánh canh được nấu với đường và lá dứa, tạo nên vị ngọt thanh tao, không gắt.
Bà Liên chia sẻ, cách làm sợi bánh canh cũng có bí quyết riêng và đây là công thức “gia truyền” nên không thể bật mí.
Sợi bánh canh nấu với nước đường và lá dứa. Ảnh: Minh Hạnh
Nước cốt dừa và mè rang để ăn kèm. Ảnh: Minh Hạnh
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên hương vị đặc biệt của bánh canh ngọt chính là nước cốt dừa béo ngậy, sánh mịn, chan lên phần bánh canh tạo nên một tổng thể hài hòa. Ai đã từng thưởng thức món ăn này đều phải công nhận rằng chính nước cốt dừa đã nâng tầm hương vị, khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn.
Không chỉ có nước cốt dừa, món ăn này còn được rắc thêm một chút mè rang vàng ươm, tạo nên vị bùi bùi. Cắn một miếng bánh canh là cảm nhận ngay vị ngọt thanh của nước đường lá dứa, vị béo của nước cốt dừa cùng hương thơm của mè rang. Tất cả hòa quyện với nhau một cách hoàn hảo.
Chỉ bán mang về, khách muốn ăn phải "canh" ngày
Xe bánh canh bà Liên chỉ bán mang về, không có chỗ để ngồi ăn. Mỗi ngày, bà chỉ nấu một nồi vừa đủ, khoảng 50-60 bịch, bán hết là nghỉ. Vì bánh canh làm hoàn toàn thủ công, không thể để qua đêm nên bà không làm dư. Một bịch có giá 20 ngàn đồng, mức giá khá bình dân.
Bà bán từ 8h sáng, nhưng nếu ai đến khoảng 9h mà không thấy xe là biết hôm đó bà nghỉ. Một tuần, bà nghỉ cố định vào thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Khách hàng mua bánh canh ngọt của bà Liên. Ảnh: Minh Hạnh
Món ăn tuổi thơ quen thuộc của nhiều người dân Biên Hòa. Ảnh: Minh Hạnh
Mỗi khách hàng có một thói quen ăn bánh canh khác nhau. Có người thích ăn ngay khi bánh còn ấm, cảm nhận độ dai nhẹ của sợi bánh và sự béo ngậy của nước cốt dừa. Có người lại thích để bánh trong tủ lạnh vài tiếng rồi mới ăn, để nước đường lá dứa thấm vào từng sợi bánh, tạo nên cảm giác mát lạnh mà không cần thêm đá.
Hoặc có người không cần nước cốt dừa, chỉ mua sợi bánh kèm nước đường lá dứa về ăn là đủ ngon. Dù ăn theo cách nào, bánh canh ngọt vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn của nó.
Không chỉ người lớn, nhiều người trẻ cũng thích thú với món ăn này. Nguyễn Mai Anh, một sinh viên đại học sống tại thành phố Biên Hòa chia sẻ: "Ban đầu em và bạn đi vào chợ chơi và chụp hình thì thấy xe của cô bán món này khá lạ, mua ăn thử thì thấy cũng hay hay, ăn xong vẫn còn thèm".
Bà Liên tâm sự: “Bây giờ người ta cũng không chuộng món này, khách đến mua đa số là khách quen của mẹ tôi ngày xưa. Nhưng dù vậy, tôi vẫn quyết tâm giữ công thức gia truyền. Nhiều người đến nói tôi dạy nghề để họ qua nước ngoài bán, nhưng tôi cũng từ chối”.
Thành phố Biên Hòa ngày càng phát triển, hàng quán mọc lên khắp nơi, nhưng để tìm được một nơi bán bánh canh ngọt giống như bà Liên thì hiếm.
Vài chục năm qua, xe bánh canh ngọt của bà Liên vẫn ở đó, nơi góc phố quen thuộc, như một phần tuổi thơ của nhiều người.
Minh Hạnh