Những chiếc bánh giầy thơm ngon phục vụ du khách tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng
Là người dân đất Việt, mỗi khi nhắc đến bánh chưng, bánh giầy, ai cũng biết đến truyền thuyết “Bánh Chưng, bánh Giầy” gắn với Lang Liêu dâng vua Hùng chiếc bánh thơm thảo với lòng hiếu kính và biết ơn đã được vua Hùng Vương thứ 6 truyền ngôi báu. Tương truyền bánh giầy có từ đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con. “...Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho...”.
Người con trai thứ 18 của Hùng Vương tên là Lang Liêu, tính tình hiền hậu, hiếu thảo với cha mẹ đã nằm mộng thấy có vị thần đến bảo hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông để tượng trưng cho trời tròn, đất vuông. Vì trong trời, đất không có gì quý bằng hạt gạo...”. Bánh giầy từ đó mà trở thành một phần của người Việt, không phải là món ăn mà còn là cả một lịch sử. Cho đến ngày nay, bánh giầy vẫn được người dân dâng lên vào mỗi dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tỏ lòng biết ơn tổ tiên.
Xôi được đồ trên bếp củi
Xôi được giã bằng máy, bột bánh dẻo quện vào nhau
Đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng, du khách sẽ được thưởng thức những chiếc bánh giầy Lang Liêu do chính tay người dân Đất Tổ làm ra. Anh Đào Văn Long chủ cơ sở sản xuất bánh giầy Lang Liêu Đền Hùng ở xã Hy Cương, Thành phố Việt Trì có cửa hàng bán bánh giầy tại khu vực Đền Giếng cho biết: “Đây là thức bánh thơm ngon, dẻo dai, trắng mịn mang đầy ý nghĩa. Cho đến ngày nay, bánh Giầy vẫn được người dân dâng lên Vua Hùng vào mỗi dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tỏ lòng tưởng nhớ đến Vua Hùng - người có công dựng nước của dân tộc ta"
Công đoạn làm bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm. Vỏ bánh mướt không dính lại mềm thơm mùi gạo nếp, thoang thoảng mùi lá dong tạo nên một món quà mang đậm chất quê. Bánh giầy Lang Liêu có 3 vị: Nhân đỗ mặn, nhân đỗ ngọt và không nhân. Năm 2024, bánh giầy Lang Liêu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao ”.
Đây chính là điểm nhấn tạo nên thương hiệu cho bánh giầy Lang Liêu. Để làm được điều này, cơ sở sản xuất bánh giầy Lang Liêu Đền Hùng rất coi trọng khâu chọn gạo. Gạo được dùng làm bánh thường là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo được đãi sạch, đem ngâm rồi thổi thành xôi trên bếp củi để cho hạt xôi dẻo, rền. Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh lòng vàng, được tuyển chọn rất kỹ.
Bánh có ba vị để du khách lựa chọn
Banh giày Lang Liêu được công nhận OCOP hạng 3 sao
Anh Long chia sẻ, ngày trước gia đình anh giã bánh bằng tay, nay được thay thế bằng máy, nhưng không làm mất đi hương vị của bánh. Nếu như ngày thường cơ sở sản xuất khoảng 10kg gạo. Vào những dịp đầu năm, nhất là dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 300kg - 500kg gạo nếp.
Những chiếc bánh giầy thơm ngon trong ngày được bày bán cho du khách đều có tem mác của cơ sở sản xuất với những thông tin đầy đủ về địa chỉ, thành phần, số điện thoại liên lạc, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Chị Hoàng Thị Lan ở thành phố Việt Trì chia sẻ: Cứ vào dịp Giỗ Tổ tôi thường tới đây mua dăm cặp bánh giầy để dâng lên cúng giỗ Tổ tiên. Bánh mới giã nên còn nóng và dẻo, thơm ngon có hương vị đặc trưng. Tôi đã chọn mua sản vật bánh giầy để mang về làm quà cho người thân, bạn bè.
Đến với Khu di tích lịch sử Đền Hùng du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của phong cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức những đặc sản mộc mạc của người dân Đất Tổ. Những chiếc bánh giầy Lang Liêu không chỉ đơn thuần là một thứ bánh thơm thảo mà còn là sự kết tinh của tình đoàn kết, lòng biết ơn và sự kính trọng của muôn dân đất Việt đối với cha ông ta đã trái qua hàng nhìn năm dày công vun đắp dựng nước và giữ nước
Phương Uyên