'Bảo chúng tôi trực thuộc Mặt trận hết thì hành chính quá'

'Bảo chúng tôi trực thuộc Mặt trận hết thì hành chính quá'
5 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có hơn 40 thành viên tổ chức, bao gồm tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp…
Điều 9 dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp 2013 quy định: Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận”.
'Liên minh', ‘liên hiệp’ là tính chất riêng có của Mặt trận Tổ quốc
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) - ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, viết như vậy là đã đầy đủ, không cần phải nói thêm các tổ chức đó “trực thuộc” Mặt trận Tổ quốc như trong Điều 10.
Đại biểu Vũ Trọng Kim. Ảnh: Hoàng Hà
Ông cho rằng, từ ngày khai sinh đến nay, tôn chỉ mục đích, địa vị pháp lý của Mặt trận Tổ quốc được xác lập trong Hiến pháp rất rõ ràng.
“Ở đây, tôi nhận thức tính chất ‘liên minh chính trị’, ‘liên hiệp tự nguyện’ là tính chất rất ưu việt, riêng có của Mặt trận Tổ quốc", đại biểu nhấn mạnh.
Theo ông, mặt trận lấy điểm tương đồng làm mục tiêu đoàn kết, tập hợp lực lượng; khi có điểm gì khác biệt thì chờ đợi, nhẹ nhàng trao đổi, uyển chuyển vận động, hiệp thương dân chủ.
Mặt trận tôn trọng các ý kiến khác nhau, mọi người được trình bày chính kiến, không ai áp đặt hay mệnh lệnh, không ai phân biệt cấp trên, cấp dưới.
Và trong mặt trận thì phương thức phổ biến là vận động, thuyết phục để cùng nhau phối hợp thống nhất hành động. Đó chính là điểm đặc thù và là sức mạnh nội sinh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Không có thành viên thì bất thành mặt trận
Đại biểu cũng lưu ý, qua tiến trình lịch sử, mặt trận chưa bao giờ đứng một mình đơn lập, mặt trận không có hội viên, không tự mình thành mặt trận. Cho nên khi nói tới chủ thể tổ chức mặt trận là nói tới một tập hợp các tổ chức thành viên và các cá nhân tiêu biểu làm thành viên. “Không có thành viên thì bất thành mặt trận”.
Ông cũng đề xuất nên đổi cụm từ “dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” thành “do Mặt trận chủ trì” để phù hợp với mối quan hệ.
Đại biểu tỉnh Nam Định cũng đề nghị quy định thêm vào Hiến pháp nội dung: 5 tổ chức đoàn thể này là các “thành viên nòng cốt” của Mặt trận.
Về tính chất độc lập của các đoàn thể chính trị - xã hội quy định trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, đây là cơ sở, là tiền đề để đoàn thể phát huy mạnh mẽ tính chủ động, sáng tạo của tổ chức và của đông đảo hội viên, đoàn viên.
Ông tin tưởng rằng, khi phát huy đầy đủ tính độc lập của các đoàn thể, kết hợp với phương thức phối hợp thống nhất hành động, sẽ đem lại những hiệu quả tích cực trong mọi công việc.
Bởi vì, khi đoàn thể tổ chức đại hội, thống nhất thông qua điều lệ của tổ chức mình thì tính tự nguyện, tự quyết, tự chịu trách nhiệm sẽ được phát huy.
“Trong tác phẩm ‘Dân vận’ năm 1949, Bác Hồ viết: "Nước ta là nước dân chủ… Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân…’”
Ông chia sẻ thêm: “Tại Trung ương Mặt trận, hôm trước có mấy đồng chí cùng đi họp với tôi nói hình ảnh rằng: Anh chìa tay ra bảo chúng tôi liên minh, liên hiệp, hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động cùng nhau, nhưng rồi anh lại bảo chúng tôi ‘trực thuộc’ vào anh hết. Thế thì hành chính quá! Như thế chẳng phải liên minh, liên hiệp… Vậy hãy cho chúng tôi suy nghĩ thêm…”
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/bao-chung-toi-truc-thuoc-vao-mat-tran-het-the-thi-hanh-chinh-qua-2402213.html