Chưa có thiệt hại đáng kể
Sau dư chấn động đất tại Myanmar, TP.HCM chưa ghi nhận thiệt hại nào đáng kể, chỉ có trường hợp tại chung cư Diamond Riverside (Quận 8), hàng trăm căn hộ bị nứt tường với mức độ khác nhau. Một số khu vực hành lang, sân thượng cũng bị bong gạch, phồng nền.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Quản trị chung cư lập tức cùng chính quyền địa phương kiểm tra toàn bộ hệ thống hạ tầng và làm việc với cư dân để ghi nhận, tổng hợp thông tin, báo cho chính quyền, chủ đầu tư, công ty bảo hiểm để có biện pháp khắc phục.
Sàn hành lang chung cư Diamond Riverside có một số khu vực bị phồng nền, bong tróc.
UBND Quận 8 phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM và một số đơn vị khác tiến hành khảo sát, kiểm tra và đánh giá kỹ tất cả các chung cư.
Qua kiểm tra, chỉ có chung cư Diamond Riverside ở Quận 8 với hơn 300 căn hộ xuất hiện các vết nứt dạng chân chim, không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của tòa nhà.
"Chủ yếu là nứt tường và có một vài vết rạn, còn về kết cấu chịu lực thì tạm thời không có vấn đề gì. Thường trực UBND Quận 8 đã chỉ đạo khẩn đối với Chủ tịch UBND các phường rà soát tất cả chung cư trên địa bàn" - Đại diện UBND Quận 8 cho biết.
Chính quyền địa phương đã trao đổi tình hình với người dân và tiếp tục kiểm tra, rà soát để đảm bảo an toàn cho các hộ sinh sống ở các chung cư trên địa bàn.
Bước đầu, các vết nứt tại căn hộ thuộc chung cư Diamond Riverside được đánh giá không quá nghiêm trọng.
Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản gửi các quận, huyện, TP Thủ Đức yêu cầu báo cáo về tình hình, mức độ ảnh hưởng sau dư chấn động đất tại Thành phố xảy ra ngày 28/3.
Làm sao đảm bảo an toàn?
Mặc dù kết quả kiểm tra ban đầu không có vấn đề gì nhưng sự việc cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng chống chịu của một số tòa nhà ở TP.HCM nếu gặp phải dư chấn động đất. Nhiều người dân cảm thấy không an toàn, thậm chí có người muốn rời khỏi chung cư.
Trước những lo lắng của cư dân, ban quản lý các chung cư trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện kiểm tra kỹ lưỡng toàn bộ tòa nhà, bao gồm kết cấu, hệ thống kỹ thuật; theo dõi sát sao tình hình và cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng. Đồng thời khuyến cáo cư dân giữ bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn của Ban quản lý; thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân trong trường hợp khẩn cấp.
BQL các chung cư tại TP.HCM đã có những cảnh báo đến người dân.
TS. Nguyễn Tấn Tiên, chuyên gia về cơ học và phân tích kết cấu Trường Đại học Việt - Đức cho biết, Việt Nam hiện áp dụng tiêu chuẩn TCVN 9386:2012 để đảm bảo an toàn cho các công trình trước nguy cơ động đất. Tiêu chuẩn này được xây dựng trên nền tảng Eurocode 8 của châu Âu, phân loại mức độ động đất theo gia tốc nền, từ mạnh đến yếu, và quy định yêu cầu kháng chấn tương ứng cho từng loại công trình. Các khu vực có nền đất yếu, gia tốc nền cao đòi hỏi kết cấu kháng chấn mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, theo ông Tiên, các chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc kỹ khi áp dụng: "Bộ quy chuẩn chống động đất đã có rồi và rất cao. Tuy nhiên việc áp dụng là một bài toán khó về chi phí. Tùy vào mức độ, vị trí, quy mô, nếu áp dụng các tiêu chuẩn này, chi phí ước tính có thể lên đến 30% tổng cả công trình. Trong khi nước ta nguy cơ động đất thấp".
Trước nguy cơ biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào các công trình "an toàn trước rung chấn" vẫn cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
TS Nguyễn Tấn Tiên khuyến cáo, chủ đầu tư công trình xây dựng nên ưu tiên sử dụng các vật liệu có khả năng hấp thụ năng lượng tốt như thép, đồng thời gia cố các vật liệu dễ nứt vỡ như bê tông, nền móng và khung liên kết cần được thiết kế linh hoạt, có khả năng triệt tiêu dao động; hạn chế tập trung vật nặng ở các tầng cao, tránh cộng hưởng với sóng địa chấn, thường xuyên kiểm tra, bảo trì công trình.
Hoàng Minh/VOV-TP.HCM