Bảo đảm cho người dân mùa tết, lễ hội vui tươi, an toàn

Bảo đảm cho người dân mùa tết, lễ hội vui tươi, an toàn
4 giờ trướcBài gốc
Lễ hội Làm Chay là 1 trong 3 lễ hội trong tỉnh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Ảnh: Khánh Duy)
- PV: Tết Nguyên đán và đầu năm mới là thời điểm người dân mong chờ những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Xin ông cho biết, dịp Tết Nguyên đán và đầu năm Ất Tỵ 2025, tỉnh Long An có những hoạt động văn hóa - văn nghệ, lễ hội nào nổi bật để phục vụ nhu cầu vui xuân của người dân?
Ông Nguyễn Tấn Quốc: Điểm nhấn trong các hoạt động vui chơi, giải trí dịp cuối năm nay là chương trình văn nghệ đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Chương trình dự kiến gồm những bài ca, điệu múa ca ngợi quê hương Long An, đất nước, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu; chào năm mới, Xuân Ất Tỵ năm 2025; những bài hát chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đại hội Đảng các cấp.
Chương trình diễn ra tại Quảng trường TP.Tân An thuộc Khu Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh (phường 6, TP.Tân An), được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình Long An nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân, cổ vũ, động viên người dân tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Bên cạnh đó, 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Làm Chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành); Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) và Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) cũng là điểm nhấn nổi bật, thu hút đông đảo người dân, du khách.
Ngoài ra, tỉnh còn có một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, thu hút đông đảo người dân đến dự như Lễ Vía Ông tại miếu Quan Thánh Đế (phường 1, TP.Tân An); Lễ hội chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng); lễ hội kỳ yên tại các đình: Đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa), đình Bình Cang (xã Bình Cang, huyện Thủ Thừa), đình Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), đình Chánh Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước),...
- PV: Công tác chuẩn bị cho chương trình văn nghệ đêm giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đến nay như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Quốc: Sở đã có kế hoạch phối hợp các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm bảo đảm chương trình văn nghệ diễn ra trang trọng, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tạo ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân.
Ngoài việc xây dựng kịch bản chi tiết cho chương trình, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, nguồn điện, y tế, hậu cần,... đều được đặc biệt chú trọng. Sở phối hợp chặt chẽ Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và UBND TP.Tân An triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông,... nhằm bảo đảm an ninh, trật tự trước, trong và sau đêm văn nghệ giao thừa.
Công tác giữ gìn an ninh, trật tự trong đêm giao thừa được đặc biệt chú trọng nhằm giúp người dân có thể thưởng thức trọn vẹn thời khắc chuyển giao năm mới một cách vui tươi, lành mạnh, an toàn.
- PV: Để người dân đón tết, mùa lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm thì ngành Văn hóa triển khai những hoạt động gì thưa ông?
Ông Nguyễn Tấn Quốc: Sở VHTT&DL phối hợp các địa phương, cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội. Nội dung tuyên truyền chú trọng giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc, giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh.
Đồng thời, Sở phối hợp các địa phương tuyên truyền người dân bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Đặc biệt, với 3 lễ hội là Di sản văn hóa phi vật thể, Sở VHTT&DL phối hợp chặt chẽ các địa phương có lễ hội tuyên truyền người dân giữ gìn nét đẹp văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội; đồng thời, có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, liên tục trước, trong và sau khi kết thúc lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm; không để xảy ra các hành vi phản cảm, chen lấn giành cướp lộc, các tệ nạn mê tín dị đoan, ăn xin, cờ bạc hoặc cờ bạc trá hình trong khu vực diễn ra lễ hội.
Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong, mỹ tục vào các khu di tích, khu thờ tự, bảo đảm tính nguyên trạng của di tích.
- PV: Xin cảm ơn ông!/.
Quế Lâm
Nguồn Long An : https://baolongan.vn/bao-dam-cho-nguoi-dan-mua-tet-le-hoi-vui-tuoi-an-toan-a189009.html