Trải nghiệm dựng cây nêu cùng du khách đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Trải nghiệm dựng cây nêu cùng du khách đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 18/1 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội) đã diễn ra chương trình “Trải nghiệm Tết truyền thống" với chủ đề: Vui Xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình. Nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của người Việt đã diễn ra tại đây thu hút số đông người dân Thủ đô cùng du khách quốc tế tới tham gia trải nghiệm.
Dựng cây nêu là một trong những hoạt động văn hóa thu hút nhiều người tham gia trải nghiệm. Theo quan niệm dân gian, dựng cây nêu là một trong những phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên đán với nguyện ước cầu may, bảo vệ cửa nhà được bình an. Khi cây nêu được dựng lên là báo hiệu ngày Tết chính thức bắt đầu.
Theo tài liệu văn hóa dân gian, cây nêu ngày Tết mang triết lý âm dương, qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất). Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…
Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, việc dựng cây nêu và treo các vật phẩm trên ngọn cây có nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục và tập quán của từng nơi. Thậm chí việc dựng cây nêu không chỉ có vào ngày Tết mà còn có thể ở một số lễ hội dân gian. Tuy nhiên cây nêu vẫn chủ yếu được dựng lên vào ngày Tết Nguyên đán như một phong tục truyền thống phổ biến ở khắp mọi miền của đất nước.
Thầy Mo làm lễ trước khi tiến hành nghi thức dựng cây nêu đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Mâm lễ được chuẩn bị sẵn để các thầy Mo làm lễ trước khi tiến hành dựng câu nêu theo phong tục truyền thống của người Việt.
Thời gian dựng cây nêu cũng khác, người Kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, để ngăn ngừa ma quỷ tới quấy rầy gia chủ trong những ngày ông Công - ông Táo lên chầu trời.
Một số dân tộc khác như Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc như: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Lào Cai, Yên Bái lại trồng cây nêu vào chiều 30 tháng Chạp âm lịch. Người Mông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào từ ngày 3 đến ngày 5 tháng Giêng âm lịch, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu, đồng bào dân tộc Sán Dìu dựng cây nêu trong lễ Cầu mùa.
Trên ngọn cây nêu, người ta treo những đồ vật tùy theo phong tục của từng địa phương, người ta thường treo một tờ giấy đỏ, giấy trắng, gói kim ngân, xôi màu và lông gà…
Những đồ vật được treo trên ngọn cây nêu với ý nghĩa đuổi ma quỷ.
Đặc biệt để tránh bị quỷ quấy nhiễu, con người bèn dựng cây nêu trên ngọn treo miếng vải, sau đổi thành lá bùa và chiếc khánh bằng đất nung khi gió rung tạo ra tiếng động để xua đuổi quỷ. Trên ngọn cây cũng thường treo bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái, vì con người cho rằng đó là vật mà quỷ rất sợ.
Các bạn nhỏ thích thú trải nghiệm dựng cây nêu truyền thống của người Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Bài và ảnh: Trung Nguyễn
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/trai-nghiem-dung-cay-neu-cung-du-khach-don-tet-nguyen-dan-at-ty-2025-post330931.html