Bảo đảm năng lực phòng, chống lũ cho đê hữu Hồng

Bảo đảm năng lực phòng, chống lũ cho đê hữu Hồng
6 giờ trướcBài gốc
Hệ thống điếm canh đê trên đê hữu Hồng mới được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ảnh: Mạnh Hùng
Đê hữu Hồng trên địa bàn tỉnh có chiều dài gần 39 km, chạy dọc địa phận thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân. Ngoài đê chính còn có 4 tuyến bối bảo vệ các vùng dân cư ngoài đê, gồm: Bối Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên); bối Hồng Lý, Nhân Long, Nhân Hòa (Lý Nhân). Đê còn có 7 hệ thống kè, 12 cống dưới đê. Đặc biệt, trên đê hữu Hồng có 2 trọng điểm phòng, chống thiên tai cấp tỉnh được xác định, gồm: Cống Mộc Nam (tại xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên); Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang (nằm ở khu vực giáp ranh giữa thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân). Tuyến đê hữu Hồng luôn được đánh giá là tuyến đê quan trọng, có nhiệm vụ chống lũ trên sông Hồng, bảo vệ dân sinh và phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực phòng, chống lũ cho đê hữu Hồng và các công trình trên đê luôn được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.
Những năm gần đây, đê hữu Hồng và các công trình trên đê được đầu tư tu bổ, nâng cấp, sửa chữa. Về cao trình mặt đê hiện đã đạt và cao hơn từ 1 – 1,2 m so với cao trình thiết kế; cao hơn mực nước lũ lịch sử năm 1971 (+9,03m tại Mộc Nam và +7,81m tại Như Trác); cơ bản toàn tuyến đều được đắp cơ đê thượng và hạ lưu. Mặt đê trên toàn tuyến đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc asphalt nhựa với chiều rộng từ 5 – 6m. Tuyến đê hữu Hồng cũng được quan tâm trồng tre chắn sóng với chiều dài gần 30 km; có 5 điếm canh đê được xây mới, các điếm còn lại cơ bản bảo đảm năng lực phục vụ... Cùng với đó, các công trình kè, đê bối cũng được đầu tư tu bổ, đạt cao trình cấp II và cấp III… Đặc biệt, Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang- trọng điểm phòng, chống thiên tai (PCTT) của tỉnh bị sự cố năm 2012, sau đó được đầu tư tu sửa, gia cố. Đến năm 2021 công trình tiếp tục được xử lý bổ sung sân phủ thượng lưu và hạ lưu; bổ sung tường cừ chống thấm phía thượng, hạ lưu; khoan phụt xử lý chống thấm phía hạ lưu, hai bên mang cống và sân thượng lưu. Tiếp đến năm 2023, công trình sửa chữa hệ thống máy đóng mở vận hành cửa van tầng 1 phía thượng lưu cống. Theo ông Vũ Mạnh Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tuyến đê hữu Hồng của tỉnh đã được đầu tư khá đồng bộ ở hầu hết các hạng mục. Do vậy, năng lực phòng, chống lũ của đê được nâng lên rất nhiều, bảo đảm chống chịu được những trận lũ lớn xuất hiện do tác động của biến đổi khí hậu.
Xử lý sự cố sạt trượt trên tuyến đê hữu Hồng, tại xã Tiến Thắng (Lý Nhân) bảo đảm an toàn phòng chống lũ sau bão Yagi.
Hằng năm, công tác phòng, chống lũ theo phương châm “4 tại chỗ” dọc tuyến đê hữu Hồng luôn được các địa phương, đơn vị quan tâm, chủ động triển khai. Dọc tuyến có 2 kho dự trữ vật tư PCTT cấp tỉnh đặt tại xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) và khu vực Như Trác (huyện Lý Nhân) với đầy đủ số lượng và chủng loại, như: bạt chống thấm, bạt chống sóng, rọ thép, bao tải, vải lọc… Về đất, đá dự trữ và các loại vật tư khác được để trên các điểm ven đê thuận tiện cho việc huy động. Với các trọng điểm PCTT cấp tỉnh trên đê hữu Hồng được xây dựng phương án, đề ra nhưng tình huống sự cố và biện pháp xử lý. Các địa phương dọc tuyến đê được giao chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để huy động ngay khi cần đến…
Việc nâng cao năng lực chống lũ và công tác chuẩn bị góp phần quan trọng bảo đảm an toàn cho tuyến đê hữu Hồng. Rõ nhất là trong đợt lũ sông Hồng lên trên báo động 3 vừa qua, tuyến đê đã cơ bản được bảo đảm an toàn. Với sự cố sạt trượt trên địa bàn xã Tiến Thắng (Lý Nhân), đã được các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương kịp thời phát hiện và xử lý tốt ngay giờ đầu, bảo đảm an toàn cho đê. Địa phương đã huy động lượng lớn vật tư, nhân lực, phương tiện để khắc phục sự cố, gồm: 7.000 m3 cát, 1.500 m3 đất, 20.000 bao tải, 550 nhân công, 15 ca máy xúc, 5 xe vận tải chở đất, cát, 800 m2 bạt. Tại trọng điểm PCTT Cụm công trình đầu mối cống và âu thuyền Tắc Giang chỉ xuất hiện rò rỉ nước tại cánh cống đã được đơn vị quản lý vận hành (Công ty TNHH MTV KTCTTL Hà Nam) kịp thời kiểm tra, xử lý bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ông Khương Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Đợt lũ vượt báo động 3 vừa qua, đê sông Hồng giữ được an toàn, kết quả này cho thấy hiệu quả của việc thường xuyên đầu tư nâng cấp, tu bổ trên tuyến đê và công trình trên đê.
Tuy nhiên, đê hữu Hồng vẫn còn những hạn chế, như hệ số mái đê chưa đủ, vẫn còn đoạn chưa có cơ đê, nhiều nơi nền và thân đê yếu; hệ thống mỏ kè chưa đủ số lượng, nhiều mỏ thiếu chiều dài, một số vị trí vẫn bị sạt lở… Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, tuyến đê hữu Hồng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.
Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình mưa, lũ, bão tiếp tục có những diễn biến bất thường, không theo quy luật. Việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và từng bước khắc khục những hạn chế, tồn tại cho tuyến đê trọng yếu này cần tiếp tục được quan tâm nâng cấp để nâng cao năng lực PCTT, bảo vệ an toàn đê điều và bảo vệ đời sống, sản xuất của nhân dân trên địa bàn.
Thành Nam
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/moi-truong-do-thi/bao-dam-nang-luc-phong-chong-lu-cho-de-huu-hong-136239.html