UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố".
Việc xanh hóa xe buýt sẽ giúp thay đổi diện mạo vận tải hành khách công cộng Thủ đô.
Cụ thể, Đề án đưa ra kế hoạch, lộ trình chuyển đổi và phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố đạt 100% vào năm 2035.
Theo đó, giai đoạn 2026-2035, thành phố sẽ chuyển đổi 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG. Tổng số phương tiện cần chuyển đổi là 2.051 xe. Trong đó, năm 2025, thành phố sẽ chuyển đổi 103 xe điện (tỷ lệ 5%); giai đoạn 2026-2030 sẽ chuyển đổi 1.813 xe (93,4%), trong đó 859 xe điện và 851 xe LNG/CNG; giai đoạn 2031-2025 sẽ hoàn thành chuyển đổi 2.051 xe (đạt 100%).
Từ đầu năm 2025, các đơn vị vận tải đang triển khai các thủ tục để đầu tư và vận hành thí điểm 5 tuyến xe buýt điện với 76 xe để xây dựng định mức, đơn giá cho chủng loại xe buýt điện sức chứa trung bình và nhỏ.
Trong năm 2025 sẽ chuyển đổi với các phương tiện buýt diezel lớn hết hạn khấu hao và hết hạn thầu sang xe buýt điện lớn. Tổng số phương tiện dự kiến chuyển đổi trong năm 2025 là 103 xe, đạt 5% tổng số phương tiện chuyển đổi.
Từ năm 2026, thành phố sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đầy đủ cho các chủng loại xe buýt điện, các đơn vị sẽ triển khai thực hiện thay thế phương tiện đã hết thời gian khấu hao (10 năm) theo thời gian sử dụng phương tiện thực tế trên từng tuyến.
Lợi ích của phương tiện xanh, sạch đã rõ và là xu hướng phát triển trong tương lai. Vậy làm gì xanh hóa đoàn phương tiện xe buýt trên địa bàn thành phố theo đúng lộ trình đặt ra là mục tiêu của buổi tọa đàm diễn ra vào ngày mai (29/11) để các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể hơn cho những chặng đường tới đây.
Tọa đàm được thực hiện theo hình thức trường quay ảo, phát trực tiếp trên Fanpage Báo Giao thông và Báo Giao thông điện tử.
Lê Tươi