Thi công khán đài trên đường Lê Duẩn phục vụ Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: N.K
Sẽ có 5.500 cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh theo các khối quân binh chủng, và hơn 2.000 người diễu hành thuộc các khối công nhân, nông dân, trí thức và các tổ chức xã hội như thể thao, thiếu nhi, đoàn thanh niên... Nếu cộng cả khách trên lễ đài, người dân tham dự và các bộ phận phục vụ, bảo vệ, truyền thông thì sẽ lên đến hơn 20.000 người. Một lượng người lớn, cùng với các trang thiết bị, máy móc, cờ hoa, biểu ngữ nén trên một trục đường dài vẻn vẹn chỉ có 1,2 ki lô mét từ Thảo Cầm Viên đến cửa Dinh Thống Nhất thì quả thật là khó cho nhà tổ chức.
Là người từng hai lần tham gia trong đoàn quân diễu hành mới thấy không có quảng trường lớn, việc mít tinh, diễu hành theo hình thức bộ hành (không có xe cộ, máy móc) cơ cực biết bao. Chẳng hạn năm 2010 (kỷ niệm 35 năm) lễ diễu hành có sự tham gia của 3.000 cán bộ, chiến sĩ khối lực lượng vũ trang, 4.500 người khối công nhân, nông dân, trí thức, tổ chức xã hội, cùng với 35 xe hoa, hàng ngàn băng rôn, cờ, biển hiệu. Người tham gia diễu hành phải đi từ 3 giờ sáng, xếp hàng rồng rắn ở tất cả các con đường quanh đường Lê Duẩn, kéo dài tới tận cầu Thị Nghè, đường Tôn Đức Thắng. Kể từ năm 1975 đến nay, TPHCM tổ chức bốn lần lễ 30-4 đều diễn ra trên trục đường Lê Duẩn mà không ở địa điểm nào khác bởi TPHCM không có quảng trường lớn đúng tầm cỡ.
Hầu như ở tất cả các thành phố lớn trực thuộc trung ương và trực thuộc tỉnh đều có quảng trường lớn có sức chứa hàng ngàn đến hàng chục ngàn người, như quảng trường Ba Đình (thủ đô Hà Nội), quảng trường thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), quảng trường Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), nhiều tỉnh nhỏ như Cao Bằng, Tuyên Quang, Điện Biên cũng có quảng trường lớn, có thể tổ chức diễu binh và duyệt binh với các khí tài quân sự hiện đại giống như các cuộc duyệt binh quốc gia diễn ra ở quảng trường Ba Đình nhân Quốc khánh 2-9.
Ít nhất đã có hai lần xuất hiện cơ hội cho một quảng trường lớn ra đời, lần thứ nhất là quảng trường lớn sẽ làm trước nhà hát Hòa Bình năm 1985 khi Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho xây dựng công trình này, lần thứ hai là ở Thủ Thiêm.
Trong khi đó, các quảng trường của TPHCM như công viên 23/9, quảng trường 30-4, quảng trường Quách Thị Trang đều rất nhỏ, sức chứa chỉ chừng vài ngàn người. Từ lâu rồi, người dân TPHCM luôn có một ước mơ về một quảng trường lớn.
Ít nhất đã có hai lần xuất hiện cơ hội cho một quảng trường lớn ra đời, lần thứ nhất là quảng trường lớn sẽ làm trước nhà hát Hòa Bình năm 1985 khi Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho xây dựng công trình này, lần thứ hai là ở Thủ Thiêm.
Cách nay hơn 20 năm, vào năm 2003, Chính phủ đồng ý cho TPHCM khai thác bán đảo Thủ Thiêm, một cuộc thi quốc tế đã diễn ra, cuối cùng Tập đoàn Sasaki của Mỹ đã đoạt giải cuộc thi thiết kế thành phố mới Thủ Thiêm, sau vài lần chỉnh sửa bản thiết kế này, dự án Thủ Thiêm chính thức khởi công. Trên diện tích 730 héc ta sẽ xuất hiện một thành phố hiện đại, mà giới chuyên môn kỳ vọng nó sẽ có dáng dấp như là một “phố Đông” của Thượng Hải. Trong thành phố mới có một quảng trường rộng lớn với diện tích gần 30 héc ta. Đây sẽ là quảng trường lớn nhất thành phố, nằm phía khu đô thị Thủ Thiêm đối diện Công trường Mê Linh - công viên Bến Bạch Đằng.
Đến năm 2008, TPHCM tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế quảng trường Thủ Thiêm. Đề bài mà TPHCM đặt ra là đây không chỉ đơn thuần là công viên vui chơi giải trí mà còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội, là nơi diễn ra các cuộc mít tinh, tuần hành trong các ngày lễ trọng đại, và tất nhiên là đủ điều kiện để thực hiện các cuộc duyệt binh lớn. Kết quả là Đồ án của Công ty Deso (Pháp) đã vượt qua 77 đồ án khác của các công ty đến từ 25 quốc gia, giải nhì và ba thuộc về Công ty Hager International AG (Zurich, Thụy Sỹ) và Edaw (Trung Quốc). Phối cảnh quảng trường do Deso vẽ ra rất đẹp, hấp dẫn và theo phong cách hiện đại. Công ty này còn được quyền ưu tiên khi thương thảo hợp đồng xây dựng, phát triển ý tưởng thiết kế chi tiết các khu quảng trường trung tâm, công viên bờ sông và cầu đi bộ.
Đến năm 2018, TPHCM đã chính thức làm tờ trình lên Trung ương, xin đặt tên quảng trường Thủ Thiêm là “Quảng trường Hồ Chí Minh”, đồng thời đề nghị được mở rộng thêm các hạng mục mới mà đề án của Sasaki không có, bao gồm: kỳ đài, nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và ao cá Bác Hồ, Công viên lưu niệm 63 tỉnh, thành phố (còn gọi là Việt Nam thu nhỏ). Cùng với đó là việc kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào công trình này, trên thực tế đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký thực hiện.
Các cuộc hội thảo do Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm liên tục được tổ chức. Khi ấy người dân rất háo hức với khu đô thị mới và mường tượng về một quảng trường rộng lớn, đa chức năng. Ông Trang Bảo Sơn, Phó Trưởng ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm, đã bàn đến chuyện quản lý vận hành nó ra sao. Nhưng không hiểu sao mọi chuyện cứ nguội dần, lâu rồi không thấy ai nói đến quảng trường vĩ đại này nữa.
Có một chuyện cũng nên nhắc lại, trong ngày xét duyệt đề án tại phòng triển lãm Sở Quy hoạch - Kiến trúc, người viết bài này có nói với lãnh đạo thành phố lúc ấy là nên điều chỉnh lại, vì quảng trường Thủ Thiêm bị bóp hậu, mặt trước giáp sông Sài Gòn lớn gấp 3 lần phần đuôi, phong thủy không hay. Trong khi tất cả các quảng trường trên thế giới đều hình vuông hay hình chữ nhật. Các anh cười, không nói gì, coi là chuyện nhỏ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, có yêu cầu năm nay TPHCM lưu ý nghiên cứu thêm để làm đặc sắc hình ảnh 5 cánh quân tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Việc tái hiện 5 cánh quân mà không có xe tăng T.64, tên lửa Sam 2, pháo cao xạ 37, pháo tầm xa 130, giàn Cachiusa thì không phản ánh được không khí sôi động thời ấy, mà muốn tái hiện thì lại không có quảng trường. Xem ra giấc mơ về những cuộc duyệt binh hoành tráng của người dân TPHCM vẫn còn xa lắm.
TS. Nguyễn Minh Hòa