Khi thủ phạm là phụ huynh, thầy cô giáo
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với P.V.T. (SN 1983, trú tổ dân phố 7, phường Bạch Đằng, TP Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Hình ảnh trẻ bị bố đẻ xích, kéo lê trên đường phố
Điều khiến dư luận phẫn nộ là nạn nhân lại chính là con trai ruột của P.V.T. Theo điều tra ban đầu, ngày 26.6, đối tượng nghi ngờ con trai mình là cháu P.M.T. (SN 2010) lấy trộm tiền và điện thoại của gia đình nên đã chửi bới, đuổi đánh. Do hoảng sợ, cháu T. đã bỏ nhà đi lang thang.
Đến sáng 5.7, cháu T. trở về nhà ngủ thì bị bố phát hiện. Người bố đã dùng xích khóa hai chân con trai rồi treo ngược lên. Sau đó, T. dùng thanh gỗ, ống nhựa, bàn chải đánh giày đánh vào đùi cháu T.
Trước sự uy hiếp và đánh đập của bố, cháu T. đã thừa nhận hành vi lấy điện thoại, tiền và chỉ cho bố tới khu vực tỉnh lộ 359 để tìm lại đồ đã bán.
Thay vì chở con đi bình thường, P.V.T. đã dùng xích buộc vào xe máy rồi kéo cháu T. ngồi lê trên đường để tìm lại chiếc điện thoại.
Tuy nhiên, khi đến gần một cửa hàng điện thoại tại đây, cháu T. đã lợi dụng sơ hở của bố, chạy vào quán hô hoán, cầu cứu người dân xung quanh. Người dân lập tức can thiệp, hỗ trợ đưa cháu T. đến trụ sở cơ quan công an trình báo sự việc.
Theo hình ảnh trong clip do những người chứng kiến sự việc ghi lại, tay chân cháu bé đã bị tím bầm, chảy máu; cháu bé hoảng sợ, khóc to vì đau đớn. Người dân xung quanh vô cùng bức xúc và tỏ thái độ phản đối gay gắt hành động của người bố. May mắn cháu được người dân xung quanh và cơ quan chức năng giải cứu.
Cũng trong ngày 5.7, tại trường mầm non Gia Thụy (phường Gia Thụy, Hà Nội), cháu T.K.L (sinh năm 2021), đang học đã bị cô giáo V. (sinh năm 1979) dùng roi đánh, “ném” vào tường, dùng chân, tay đấm đá trẻ và lôi kéo trẻ ra phía cửa lớp. Ngoài ra, cô V. còn có hành vi nắm chân dốc ngược đầu 1 cháu bé khác ném xuống giường.
Sự việc được gia đình phát hiện do buổi tối tắm cho cháu và xuất hiện nhiều vết bầm tím trên cơ thể. Gia đình có trao đổi với nhà trường, cô giáo đã thừa nhận hành vi, và cho rằng nguyên nhân là do cháu không ngủ trưa nên có phạt trẻ mấy cái. Nhà trường mong muốn gia đình bỏ qua sự việc nhưng gia đình không chấp nhận.
Gia đình đã báo sự việc đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đề nghị được hỗ trợ. Ngay sau khi tiếp cận thông tin Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã kết nối đến Trung tâm công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đề nghị xác minh thông tin và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em theo quy định.
Theo thống kê từ Bộ LĐ,TB&XH (nay là Bộ Y tế), trong năm 2023, cả nước ghi nhận 2.498 vụ xâm hại trẻ em.
Riêng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2024, đã tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại; trong đó, 65,1% là xâm hại thân thể, 28,8% là xâm hại tình dục và 6,1% do bị bỏ mặc.
Phòng ngừa xâm hại trẻ em cần sự chung tay của cộng đồng
Thực tế cho thấy, mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn thủ phạm là nam giới và đa số các vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí là người thân ruột thịt.
Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là khi bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục, trẻ thường không dám kể lại sự việc vì sợ hãi, mặc cảm hoặc bị đe dọa. Trẻ thường phải âm thầm chịu đựng trong nỗi đau tinh thần kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi được cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Khi nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu trẻ bị bạo hành, xâm hại, Bệnh viện đã báo cáo tới cơ quan công an để vào cuộc, điều tra.
TS.BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Trẻ em của Bệnh viện cho biết, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường để lại hậu quả nặng nề cả về thể chất lẫn tâm lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
“Nhiều nghiên cứu cho thấy những tổn thương do xâm hại có thể gây ảnh hưởng đến não bộ, làm suy giảm khả năng tư duy, học tập và phát triển kỹ năng xã hội.
Trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao mắc các vấn đề như thương tật lâu dài, trầm cảm, rối loạn tâm lý, khó khăn trong giao tiếp và thiết lập các mối quan hệ.
Về lâu dài, những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của trẻ mà còn gây ra hệ lụy cho xã hội, từ suy giảm chất lượng nguồn nhân lực đến gia tăng chi phí trong y tế, pháp lý và an sinh xã hội”, bác sĩ Cao Việt Tùng nhấn mạnh.
Trẻ em - mầm non tương lai của đất nước cần được sống trong một môi trường an toàn, yêu thương và được bảo vệ một cách toàn diện. Chính vì vậy, việc phòng ngừa và bảo vệ trẻ em bị xâm hại đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, lâu dài, cùng sự chung tay của cộng đồng.
Với gia đình, đặc biệt là cha mẹ, cần luôn quan tâm, lắng nghe và trò chuyện với trẻ để nhận biết sớm những thay đổi về tâm sinh lý. Đồng thời, cần trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ và kiến thức cơ bản để nhận diện nguy cơ xâm hại.
Với cộng đồng và xã hội cần nâng cao nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện sớm và kịp thời lên tiếng khi thấy dấu hiệu bất thường.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường trên cơ thể, đặc biệt là chảy máu vùng kín, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện Nhi Trung ương để được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, mọi người dân có thể gọi tới Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em và nhận tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí. Một cuộc gọi kịp thời có thể cứu lấy một cuộc đời trẻ em.
(Cục Văn hóa cơ sở, Thư viện và Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện)
NGUYỆT MINH