Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để chính sách này không nằm trên giấy mà thật sự phát huy hiệu quả trong thực tế?
Do tai nạn lao động khi tuốt lúa thuê, ông Nguyễn Văn Toan ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội buộc phải cắt bỏ một bên tay. Là lao động tự do, ông chưa từng tham gia bất kỳ loại bảo hiểm nào nên không được hỗ trợ chi phí điều trị hay bồi thường.
Lao động khu vực phi chính thức gặp nhiều rủi ro về tai nạn lao động
Ông Toan chia sẻ, mất sức lao động đã là một cú sốc, nhưng càng thiệt thòi hơn khi không có bảo hiểm để bấu víu lúc khó khăn: “Rất là thiệt thòi ở cái là giá mình có cái bảo hiểm thì cũng đỡ đi trong cuộc sống, kể cả ví dụ như bây giờ con cái đi học chẳng hạn thì cũng đỡ một khoản đóng góp. Nhưng mình là lao động tự phát, đấy cũng là thiệt thòi cho bản thân, con cái đi học”.
Để hỗ trợ người lao động khu vực phi chính thức, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được triển khai với mức đóng bằng 1% tháng lương tối thiểu vùng IV. Người lao động có thể đóng 6 tháng hoặc 1 năm một lần, được hỗ trợ chi phí điều trị và trợ cấp từ 10 đến 30% nếu suy giảm khả năng lao động, hoặc thân nhân được hưởng trợ cấp khi qua đời. Tuy vậy, việc tự nguyện tham gia một loại bảo hiểm mới là điều không dễ dàng đối với người có thu nhập thấp, bấp bênh.
Bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Tự nguyện là do người lao động đóng thì sẽ không đảm bảo được cân đối thu chi. Chỉ những người nào bị rủi ro mới đóng thì sự chia sẻ sẽ thấp. Vì vậy, cần có sự hỗ trợ của nhà nước, của doanh nghiệp vào quỹ này. Thậm chí có cả sự chia sẻ rủi ro giữa những người đang ở khu vực có quan hệ lao động với cả khu vực không có quan hệ lao động để làm sao cho tất cả mọi người được chăm lo từ quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Ông Nguyễn Văn Toan (thị xã Sơn Tây, TP.Hà Nội) bị tai nạn trong quá trình tuốt lúa thuê
Mặc dù đã lường trước những khó khăn, nhưng theo bà Chu Thị Hạnh – Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, quá trình triển khai chính sách vẫn gặp vướng mắc khi lực lượng điều tra, xác minh tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động còn thiếu.
“Nguồn lực thực hiện chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện còn hạn chế. Chính sách được ban hành nhưng liên quan đến con người, cấp xã sẽ chịu trách nhiệm về thống kê, báo cáo điều tra về tai nạn lao động đối với khu vực người lao động không có quan hệ lao động thì sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. Bởi vì công việc cấp xã rất là nhiều, do đó lực lượng, con người làm công việc này bị hạn chế”- bà Hạnh nói.
Chính sách đã ban hành, nhưng điều quan trọng là khả năng “chạm tới” đời sống thực tế của người dân. Với lao động phi chính thức – nhóm dễ tổn thương nhất – bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện không chỉ là quyền lợi, mà còn là thước đo công bằng an sinh. Muốn chính sách không dừng ở chủ trương, các ban ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cùng cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để lan tỏa tới hàng triệu người đang đứng ngoài “mạng lưới” an sinh.
Minh Quyên/VOV1