Mức hưởng chưa tương xứng
Theo số liệu mới công bố từ Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và Lao động thuộc Bộ Nội vụ, trong quý I năm 2025, cả nước đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho 123.835 người lao động.
Tính đến cuối năm 2024, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có số dư lũy kế hơn 64.300 tỷ đồng với khoảng 16 triệu người tham gia, chiếm 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Chính sách BHTN được triển khai từ năm 2009, gần hai thập kỷ kể từ khi được đưa vào thực tiễn, BHTN đã trở thành cứu cánh tạm thời cho hàng triệu người mất việc.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chị Vũ Thị Ánh Nguyệt, phường Ba Đình, cho biết đã mất việc hơn hai tháng do công ty cắt giảm nhân sự. “Tôi đóng bảo hiểm ở mức tám triệu đồng một tháng suốt hơn mười năm, nên hiện nhận được gần 5 triệu đồng một tháng trợ cấp thất nghiệp, tối đa trong mười hai tháng. Dù không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, nhưng vẫn hỗ trợ được phần nào trong giai đoạn khó khăn này”, chị chia sẻ. Trường hợp của chị Nguyệt là ví dụ điển hình về ý nghĩa của BHTN với người lao động trong giai đoạn chuyển tiếp.
Người lao động nộp đơn hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Thành Quang
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò tích cực, chính sách này vẫn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là mức hưởng còn thấp so với mức sống tối thiểu tại các đô thị lớn.
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, quy định hiện hành, người lao động được hưởng trợ cấp bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng BHTN trong 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng. Tỷ lệ này được cho là không thấp, nhưng do phần lớn người lao động chỉ đóng ở mức tối thiểu cộng phụ cấp (khoảng 6 triệu đồng/tháng), nên khoản thực nhận thường chỉ 3,4 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho cả gia đình người lao động khi mất việc.
Không ít người lao động nhận thấy mức đóng bảo hiểm chưa phản ánh đúng thu nhập thực tế, nhưng vẫn chọn cách im lặng vì lo ảnh hưởng đến công việc. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa được triển khai thường xuyên và hiệu quả, khiến nhiều bất cập kéo dài mà chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Hệ quả là mức hưởng chưa tương xứng, đồng thời làm suy giảm niềm tin vào chính sách an sinh.
Không thể chỉ trông vào tinh thần tự giác
Ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm được kỳ vọng nhất là việc xác định lại căn cứ tính thu nhập để đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới phản ánh đúng thu nhập thực tế của người lao động.
Luật sư Lê Văn Lên, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Luật mới phân biệt rõ hai nhóm đối tượng. Với người hưởng lương do Nhà nước quy định, mức đóng dựa trên lương chức danh, bậc, phụ cấp chức vụ, thâm niên. Còn với nhóm do doanh nghiệp quyết định, tiền lương đóng bảo hiểm là lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung trả thường xuyên, ổn định trong kỳ lương. Quy định này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp chỉ khai mức lương tối thiểu vùng để đóng bảo hiểm, trong khi thực tế chi trả cao hơn rất nhiều. Việc tính cả phụ cấp và các khoản bổ sung cũng giúp mức đóng và mức hưởng sát hơn với thu nhập thực tế, từ đó bảo đảm công bằng quyền lợi cho người lao động”.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia cảnh báo, quy định mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ vẫn nằm ở việc giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm. Nếu doanh nghiệp vẫn lách luật bằng cách tách lương thành nhiều khoản ngoài hợp đồng, chi qua phong bì hoặc tài khoản phụ, thì luật sẽ khó đi vào đời sống.
Luật sư Lên nhấn mạnh: “Luật sửa đổi đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi, nhưng vẫn cần quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc siết kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi kê khai gian, đồng thời nâng mức hưởng, mở rộng đối tượng và kết nối chính sách BHTN với đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm. Khi đó, BHTN mới có thể trở thành trụ cột an sinh thật sự cho thị trường lao động hiện đại”.
Dư luận cho rằng, để BHTN thật sự là “phao cứu sinh”, không thể chỉ trông vào tinh thần tự giác của doanh nghiệp. Cần có cơ chế giám sát minh bạch, tăng chế tài xử phạt, cải tiến cách xác định mức hưởng, đồng thời mở rộng đối tượng và kết nối chính sách với thị trường việc làm. Chỉ khi làm được điều đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới thực sự phát huy hiệu quả, trở thành điểm tựa thiết thực cho người lao động trong lúc mất việc.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đã quy định rõ hành vi trốn đóng, gian lận BHXH, BHYT, BHTN có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt lên tới một tỷ đồng hoặc 7 năm tù.
Đăng Khoa