Về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu (khoản 2 Điều 44), có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo quy định của Luật Việc làm hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu. Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt quá thời gian này nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, phần vượt quá sẽ không được cộng dồn hay bảo lưu cho những lần hưởng trợ cấp thất nghiệp sau này. Như vậy, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng.
Việc giữ quy định này làm ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp dài nhưng chưa từng hoặc ít khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, vì họ có thể mất đi một phần quyền lợi đã đóng góp để bảo đảm quyền lợi cho mình. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng giúp bảo đảm cân bằng quỹ bảo hiểm thất nghiệp và khuyến khích người lao động sớm tìm kiếm việc làm, trở lại thị trường lao động. Chính phủ cũng giữ quan điểm này.
Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, cần đảm bảo chia sẻ công bằng
Một số ý kiến cũng ủng hộ quy định này, xem đây là biện pháp cần thiết để quỹ ổn định. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với quy định tại khoản 2 Điều 44 rằng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp vượt quá 144 tháng sẽ không được giữ lại để dùng sau. Bà cho rằng trong nền kinh tế hiện nay, 12 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp đủ để người lao động tìm việc mới, đồng thời việc giới hạn này khuyến khích họ nỗ lực tái gia nhập thị trường lao động thay vì phụ thuộc trợ cấp.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh cho rằng, quỹ bảo hiểm thất nghiệp là quỹ ngắn hạn, cần đảm bảo chia sẻ công bằng. Quy định như hiện tại là phù hợp khi tham khảo các quốc gia khác. Ông cho rằng, sự cân bằng giữa đóng và hưởng gần đây giúp quỹ duy trì kết dư, hỗ trợ cả người lao động lẫn doanh nghiệp; đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế, khi bảo hiểm thất nghiệp là giải pháp tạm thời. Ngược lại, nhiều đại biểu cho rằng quy định hiện tại lại hạn chế quyền lợi người lao động, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số.
Với trách nhiệm thông báo về tìm kiếm việc làm của người lao động (khoản 1 Điều 45), có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh, việc người lao động phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 45 là không cần thiết. Vì hiện nay có thể sử dụng hình thức thông báo trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức của người lao động.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, việc buộc người lao động đến tổ chức dịch vụ việc làm công để báo cáo tìm việc không còn phù hợp trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh, vấn đề chính là chế tài đối với hành vi gian lận.
Tuy nhiên, thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội thấy rằng, theo quy định của Luật Việc làm hiện hành, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải trực tiếp đến trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để thông báo về việc tìm kiếm việc làm. Việc này là cần thiết. Bởi vì bên cạnh việc thông báo, người lao động cần đến trực tiếp để trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, bên cạnh đó còn giúp tránh tình trạng gian dối, trục lợi trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, ngay cả tại những quốc gia phát triển và hiện đại, người lao động vẫn phải trực tiếp trình báo thay vì thực hiện hoàn toàn qua các phương thức trực tuyến hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, có thể cân nhắc giao Chính phủ quy định nội dung này.
Trong khi, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, người lao động cần thông báo việc tìm kiếm việc làm nhưng nên linh hoạt về hình thức, có thể trực tiếp, trực tuyến hay qua phương tiện khác. Bà cho rằng, công tác tư vấn không nhất thiết phải thực hiện qua gặp mặt và lo ngại về trục lợi là không thuyết phục khi đã có cơ sở dữ liệu quốc gia cùng sự giám sát của cơ quan bảo hiểm.
Liên quan tới Điều 46, đại biểu Nguyễn Anh Trí chỉ ra sự thiếu chặt chẽ khi quy định chấm dứt trợ cấp sau 2 lần từ chối việc làm do trung tâm giới thiệu là chưa rõ ràng. Ông đề nghị nâng lên 3 lần, cách nhau tối thiểu 1 tháng và phải là việc làm mới vì nếu trung tâm giới thiệu việc không phù hợp, cắt trợ cấp sớm là bất công, làm giảm ý nghĩa hỗ trợ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Bà đánh giá cao ý kiến tâm huyết và nhấn mạnh việc phát triển kỹ năng nghề trong kỷ nguyên số, liên quan mật thiết đến bảo hiểm thất nghiệp khi hỗ trợ người lao động quay lại thị trường. Bảo hiểm thất nghiệp cần sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và sự bền vững của quỹ. Ứng dụng công nghệ, tăng chế tài và linh hoạt chính sách có thể là chìa khóa để người lao động an tâm và sự ổn định của quỹ không còn là nỗi lo lớn.
Dương Công Chiến