Báo Mỹ: Viễn cảnh châu Âu đưa quân tới Ukraine

Báo Mỹ: Viễn cảnh châu Âu đưa quân tới Ukraine
3 giờ trướcBài gốc
Binh sĩ quân đội Thụy Sĩ tham gia một cuộc tập trận quân sự. Ảnh: AFP.
Viễn cảnh châu Âu triển khai quân đội tại Ukraine
Báo Mỹ Washington Post dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao châu Âu cho biết, ý tưởng đưa lực lượng quân sự tới Ukraine đã được đề cập tại Brussels trong cuộc họp do Tổng thư ký NATO Mark Rutte tổ chức, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu vào tuần này.
Ý tưởng này cũng đã được trình bày trong cuộc gặp ba bên giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Paris hồi đầu tháng này.
Một quan chức cấp cao châu Âu tiết lộ: "Ông Trump đã bày tỏ sự quan tâm tới ý tưởng này. Tuy nhiên, chính sách cụ thể của chính quyền Mỹ sắp tới chưa rõ ràng trong bối cảnh ông Trump vẫn đang chuẩn bị nhậm chức”.
Hồi tháng 2/2024, khi ông Macron đề xuất khả năng triển khai lực lượng phương Tây tại Ukraine, hầu hết các lãnh đạo châu Âu đều không hưởng ứng. Nhưng nay, quan điểm này đang thay đổi. Các lãnh đạo châu Âu nhận ra rằng một lực lượng quân sự đáng kể thời hậu chiến có thể giúp duy trì thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh của châu Âu trong khu vực.
Mục tiêu chiến lược của châu Âu
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp ở Paris hồi đầu tháng này. Ảnh: EPA/EFE.
Theo Washington Post, một trong những lý do chính khiến châu Âu cân nhắc triển khai quân là để cung cấp “đảm bảo an ninh” cho Ukraine trong bối cảnh nước này chưa thể gia nhập NATO.
Camille Grand, cựu Trợ lý Tổng thư ký NATO, hiện là chuyên gia tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, nhấn mạnh: “Lực lượng quân sự này sẽ gửi thông điệp rõ ràng tới Nga rằng họ không nên tái khởi động xung đột. Đồng thời, điều này cũng cho thấy châu Âu sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trong vấn đề xung đột ở Ukraine”.
Các nhà ngoại giao cũng nhận định, việc châu Âu chủ động triển khai lực lượng sẽ giúp Ukraine và phương Tây có tiếng nói lớn hơn trong các cuộc đàm phán hòa bình. Một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết: “Chúng ta cần phát triển kế hoạch này ngay từ bây giờ để có thể trao đổi với Mỹ khi các bên tiến hành đàm phán. Đây là cách chúng ta đảm bảo lợi ích của mình”.
Thách thức và câu hỏi chưa có lời giải
Theo Washington Post, vấn đề hiện tại của châu Âu không còn là “có nên triển khai quân tới Ukraine hay không” mà là quy mô lực lượng và nhiệm vụ cụ thể của lực lượng này.
Báo Mỹ lưu ý, lực lượng quân sự hỗn hợp có thể được các nước châu Âu triển khai ở Ukraine theo một sáng kiến riêng và không liên quan tới NATO (nhằm tránh việc Nga có thể phản ứng mạnh).
Câu hỏi đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra nếu lực lượng châu Âu bị Nga tấn công ở Ukraine, một quan chức châu Âu giấu tên nói với báo Mỹ. “Quân đội châu Âu sẽ cần được giao các nhiệm vụ cụ thể hơn chứ không chỉ là giám sát lệnh ngừng bắn, nhưng cũng không đến mức xuất hiện ở tiền tuyến để đối đầu trực tiếp với Nga”, Grand nói. “Tất nhiên, không ai muốn đưa quân tới Ukraine với các trang bị tối thiểu để các binh sĩ phải bỏ chạy hay tìm nơi ẩn nấp mỗi khi có chuyện gì đó lớn xảy ra”.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte (giữa) gặp gỡ các quân nhân đóng quân ở Bulgaria vào ngày 19/12/2024. Ảnh: EPA/EFE.
Một lực lượng vũ trang đáng kể với quy mô sâu rộng cần hàng chục ngàn binh sĩ. Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện mong muốn Mỹ hỗ trợ về mặt hậu cần và có thể là trang thiết bị vũ khí. Nhưng ông Trump vẫn chưa tiết lộ chiến lược cụ thể và liệu Mỹ sẽ hỗ trợ châu Âu như thế nào. Tại Brussels hôm 19/12, ông Zelensky nói “hi vọng ông Trump vẫn sẽ tiếp tục sát cánh”.
Ngoài ra, câu hỏi lớn khác là phản ứng từ Nga. Một quan chức NATO nhận định: “Nga có thể coi lực lượng này ít gây khó chịu hơn so với việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ phản ứng thực sự của họ. Tất cả sẽ phụ thuộc vào tình hình chiến trường”.
Quan điểm của Ukraine và Nga
Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh ý tưởng này, gọi đây là một phần quan trọng để kết thúc xung đột. Ông khẳng định: “Sự hiện diện của lực lượng châu Âu không chỉ giúp duy trì hòa bình mà còn tạo áp lực buộc Nga tuân thủ thỏa thuận”.
Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh, lực lượng này phải hoạt động song song với lộ trình gia nhập NATO của Ukraine. Ông tuyên bố tại Brussels: “Chỉ có NATO mới cung cấp được sự bảo vệ thực sự cho Ukraine. Chúng tôi không thể chỉ dựa vào các thỏa thuận tạm thời”.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, yêu cầu Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO và chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ. Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Putin cảnh báo: “Nếu chúng ta ngừng giao tranh một tuần, Ukraine sẽ củng cố vị trí, nhận thêm vũ khí và đạn dược từ phương Tây. Điều đó là không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định, việc châu Âu triển khai lực lượng thời hậu chiến tới Ukraine có thể được Nga xem như một lựa chọn khả dĩ hơn so với việc Ukraine gia nhập NATO, theo Washington Post.
Đăng Nguyễn - Washington Post
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/bao-my-vien-canh-chau-au-dua-quan-toi-ukraine-204242112135311062.htm