Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cựu binh xúc động 'tái ngộ' khẩu 12 ly 7 sau nửa thế kỷ

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cựu binh xúc động 'tái ngộ' khẩu 12 ly 7 sau nửa thế kỷ
2 giờ trướcBài gốc
Sáng ngày 1/11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chính thức mở cửa đón khách, thu hút hàng ngàn người dân đến tham quan. Nằm cạnh đại lộ Thăng Long, bảo tàng mang quy mô đồ sộ và thiết kế hiện đại, trở thành công trình văn hóa đặc biệt, nơi bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quân sự của dân tộc.
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, đây là một trong sáu bảo tàng cấp quốc gia và là nơi lưu giữ, trưng bày hàng vạn hiện vật quý giá, tiêu biểu cho quá trình hình thành, chiến đấu và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, bảo tàng hiện đang trưng bày bốn bảo vật quốc gia gồm: Hai máy bay MIG-21 số hiệu 4324 và 5121, chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 và bản đồ Quyết tâm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Mỗi hiện vật đều mang trong mình những câu chuyện hào hùng về một thời kỳ kháng chiến khốc liệt.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chính thức mở cửa đón khách, thu hút hàng ngàn người dân đến tham quan.
Trong lần mở cửa đầu tiên này, bảo tàng giới thiệu đến công chúng 6 chủ đề trưng bày, bao quát tiến trình lịch sử từ thuở dựng nước và giữ nước cho đến giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước từ năm 1976 đến nay. Bằng cách sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến như 3D mapping và phim 3D, bảo tàng không chỉ tái hiện sống động mà còn mang lại trải nghiệm mới mẻ, gần gũi với người tham quan.
Khách đến bảo tàng có thể tham quan và tìm hiểu các hiện vật thông qua phần mềm thuyết minh tự động, không cần đến hướng dẫn viên. Phần mềm này cho phép người tham quan dễ dàng nghe được thuyết minh chi tiết về từng hiện vật, cùng các thông tin bổ sung về lịch sử, hoàn cảnh và ý nghĩa của chúng, mang lại trải nghiệm trực quan và sâu sắc hơn về lịch sử quân sự Việt Nam.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng mới trên diện tích 386.600 m2 và đã hoàn thành giai đoạn đầu từ năm 2019. Với tòa nhà chính có quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn lên đến 64.640 m2. Đây là một công trình có thiết kế hiện đại, đậm chất văn hóa và lịch sử.
Phía trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45 m.
Phía trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45 m, được xây dựng với hình ngôi sao năm cánh xếp nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945, năm mà dân tộc Việt Nam giành được độc lập. Khu vực quảng trường và khu trưng bày ngoài trời, với diện tích hơn 20.000 m2, là nơi trưng bày các loại khí tài quân sự lớn, gồm cả các máy bay, xe tăng, pháo binh, và các phương tiện chiến tranh khác, nhiều trong số đó là hiện vật từ thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những hiện vật này được sắp xếp theo từng sự kiện lịch sử, giúp khách tham quan có cái nhìn toàn cảnh về sự phát triển và hi sinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ.
Bên cạnh việc lưu giữ các hiện vật lớn và bảo vật quốc gia, bảo tàng còn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và trải nghiệm tương tác để thu hút khách tham quan, đặc biệt là giới trẻ. Theo đại diện bảo tàng, các hiện vật như xe tăng, máy bay, pháo binh không chỉ là bằng chứng của lịch sử mà còn là biểu tượng của tinh thần kiên cường và sự bất khuất của dân tộc. Việc trưng bày các hiện vật này không chỉ nhằm tái hiện lịch sử mà còn mang đến cho các thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị của hòa bình và sự hi sinh của cha ông trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Chiếc xe tăng T54B số hiệu 843 - một trong các bảo vật được trưng bày lần này.
Trong buổi khai trương, ông Lê Giang Sơn – cựu chiến binh từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt – đã xúc động khi nhìn thấy khẩu súng 12 ly 7, vũ khí đã đồng hành cùng ông trong suốt giai đoạn chiến đấu từ cuối năm 1972 đến ngày giải phóng 30/4/1975. Đối với ông Sơn, khẩu súng này không chỉ là công cụ chiến đấu mà còn là biểu tượng của lòng kiên trung và tinh thần bất khuất của người lính Việt Nam.
Ông chia sẻ: "Ngày ấy, khi tôi còn trẻ, chúng tôi chiến đấu với tất cả sức khỏe và lòng can đảm. Nay gặp lại khẩu súng, ký ức về đồng đội, về những ngày tháng oai hùng lại ùa về”. Khẩu súng 12 ly 7 từng cần đến 9 người để vận hành, nhưng có lúc chỉ còn 3 chiến sĩ vẫn phải chiến đấu kiên cường. Đây là minh chứng rõ nét cho tinh thần không lùi bước của các chiến sĩ Việt Nam trong thời chiến.
Ông Lê Giang Sơn – cựu chiến binh từng tham gia nhiều trận chiến ác liệt – ngắm nhìn khẩu súng 12 ly 7, vũ khí đã đồng hành cùng ông trong suốt giai đoạn chiến đấu từ cuối năm 1972 đến ngày giải phóng 30/4/1975.
Ông Sơn khẳng định, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật mà còn là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc. Với những người từng trực tiếp tham gia chiến đấu như ông, bảo tàng là nơi ghi dấu lại những câu chuyện của thế hệ đi trước, là nơi truyền tải những bài học về lòng yêu nước, sự đoàn kết và lòng dũng cảm đến thế hệ trẻ. Ông nói: “Đây là cơ hội để mọi người, đặc biệt là thanh niên, hiểu thêm về lịch sử và biết trân trọng những gì mà cha ông đã hi sinh để bảo vệ đất nước”.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ mang tính chất văn hóa lịch sử mà còn là một phần quan trọng trong hệ thống hoạt động công tác đảng và công tác chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là công trình tiêu biểu, phù hợp với chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, là một thiết chế văn hóa quan trọng của Thủ đô và cả nước, góp phần vào việc lưu giữ và bảo tồn di sản văn hóa quân sự của dân tộc. Bảo tàng kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến văn hóa thu hút người dân trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ,. Qua đó, giáo dục và lan tỏa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ tương lai.
Chiếc máy bay MIG-21 số hiệu 4324 - một trong 4 bảo vật được trưng bày đầy ấn tượng tại sảnh chính của bảo tàng.
Để tạo điều kiện cho đông đảo người dân có thể đến tham quan và trải nghiệm, bảo tàng sẽ miễn phí vé vào cửa đến hết năm 2024. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các giá trị lịch sử mà còn là cơ hội để họ trải nghiệm các công nghệ mới trong việc trưng bày bảo tàng, từ đó góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị lịch sử quân sự đến cộng đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh ngày mở cửa bảo tàng:
Dù trời nắng nhưng nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ đã đến bảo tàng tham quan.
Mặt trước bảo tàng.
Chiếc pháo phòng không tự hành ZSU-57 từng bắn rơi 2 máy bay Mỹ trong khoảng năm 1964-1967.
Một chiếc Tiêm kích SU-22 được sử dụng từ năm 1979 đến 1980 và thậm chí làm cả nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo
Khu vực xác một chiếc máy bay Mỹ đang trong giai đoạn chuẩn bị trưng bày.
Hai du khách nước ngoài tham quan khu vực trưng bày một số loại bom từng được phía Mỹ thả ở chiến tranh Việt Nam.
Du khách chụp ảnh các hiện vật trưng bày.
Khu vực trưng bày mô hình 3D tàu HQ 505.
Khu vực trưng bày hiện vật trang phục nữ du kích.
Nhiều du khách thích thú vì được tận mắt chứng kiến những loại vũ khí từng được sử dụng trong chiến tranh.
Khu vực trưng bày về nữ thanh niên xung phong La Thị Tám, một trong 10 cô gái hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc khi làm nhiệm vụ sửa đường.
Du khách chăm chú lắng nghe thuyết minh về một mảnh xác máy bay B-52 còn lại sau khi bị ta bắn rơi.
Một nữ du khách trẻ ngắm nhìn hiện vật là khẩu súng trường.
Khu vực ngồi nghỉ ngơi của du khách bên trong bảo tàng.
Một máy bay phía Mỹ bị ta thu giữ.
Nhiều tên lửa được trưng bày an toàn bên ngoài tòa nhà bảo tàng.
Tên lửa P-15.
Tàu phóng từ.
Pháo nòng dài 130 mm được phía ta sử dụng trong chiến tranh.
Dự kiến, bảo tàng sẽ mở cửa miễn phí cho du khách đến hết năm nay.
Thế Duy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/bao-tang-lich-su-quan-su-viet-nam-cuu-binh-xuc-dong-tai-ngo-khau-12-ly-7-sau-nua-the-ky-356167.html