Du khách tham quan bảo tàng. Ảnh Đặng Hường
Bảo tàng là nơi kết nối giữa lịch sử với hiện tại, giữa thế hệ đi trước và thế hệ hôm nay. Mỗi hiện vật từ chiếc ba lô rách, khẩu súng hoen gỉ đến lá thư viết vội trước giờ ra trận đều mang trong mình câu chuyện xúc động, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Không cần đến những chiến dịch quảng bá rầm rộ, bảo tàng vẫn “cháy vé” nhờ vào chính giá trị cốt lõi của mình: sự chân thực, tính giáo dục và khả năng truyền cảm hứng sâu sắc. Theo Trung tá Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng phòng Tuyên truyền Giáo dục, chỉ trong chưa đầy một tháng, bảo tàng đã đón hơn 200.000 lượt khách; tính đến giữa năm, con số này đã vượt 1 triệu. Khách tham quan từ học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, đoàn thể địa phương đến các du khách quốc tế, một minh chứng rõ nét cho nhu cầu tìm hiểu lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử quân sự, đang ngày càng lớn.
Với hơn 150.000 hiện vật, hình ảnh, mô hình cùng khu trưng bày ngoài trời phong phú nơi có các loại vũ khí, khí tài từng làm nên chiến thắng vang dội của Quân đội nhân dân Việt Nam như xe tăng, máy bay, pháo binh, tàu chiến; bảo tàng không chỉ là điểm đến văn hóa, mà còn là một “giờ học lịch sử sống” sinh động. Nhiều học viện, Nhà trường, trường học đã đưa học sinh tới đây như một phần trong chương trình giáo dục truyền thống, giúp các em tiếp nhận kiến thức bằng trải nghiệm trực quan thay vì sách vở khô khan trên bục giảng.
Đặc biệt, các hoạt động chuyên đề, tọa đàm, giao lưu với nhân chứng lịch sử đã tạo nên “giá trị cộng thêm” cho bảo tàng, biến nơi đây thành điểm đến không chỉ một lần, mà là nơi mọi người có thể trở lại nhiều lần với những khám phá mới mẻ.
Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, bảo tàng đang tích cực đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng công nghệ tương tác để mở rộng tiếp cận đến công chúng ở xa, nhất là với kiều bào và học sinh, sinh viên nước ngoài. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã đưa bảo tàng trở thành một biểu tượng mới của giáo dục lịch sử, nơi quá khứ được “sống lại” giữa không gian hiện đại và giàu cảm xúc.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang làm một việc có ý nghĩa to lớn: biến ký ức thành trải nghiệm sống động, khơi gợi niềm tự hào và ý chí dựng xây, bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân. Sự thành công của bảo tàng không chỉ nằm ở những con số ấn tượng về lượt khách, mà còn ở sức lan tỏa mạnh mẽ của tinh thần yêu nước, bản lĩnh quân sự, và giá trị trường tồn của lịch sử dân tộc trong đời sống đương đại.
Giữ gìn và phát huy di sản không chỉ là nhiệm vụ của bảo tàng, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Trong dòng chảy phát triển, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là điểm tựa ký ức nơi nuôi dưỡng lòng tự tôn dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước và truyền lửa cho các thế hệ mai sau.
(*) Trường Sĩ quan Lục quân 1, Bộ Quốc phòng
Thượng tá, ThS Nguyễn Hữu Quý; Thiếu tá QNCN, Đặng Thị Thu Hường (*)