Tất nhiên ai cũng biết, nhập tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai, thủ phủ đặt ở TP.Quy Nhơn (cũ) thì bảo tàng tỉnh Gia Lai (sau sáp nhập) sẽ phải đặt ở thủ phủ của tỉnh, tức Quy Nhơn (cũ), hay chính xác, bảo tàng tỉnh Bình Định sẽ thành bảo tàng tỉnh Gia Lai (mới).
Nhưng đặt tên cho cái bảo tàng Gia Lai cũ thành bảo tàng Pleiku thì nó hơi... bất hợp lý.
Thứ nhất, TP.Pleiku bây giờ đã không còn, chỉ còn phường Pleiku được chia ra từ TP.Pleiku cũ. TP.Pleiku cũ có 21 đơn vị hành chính cấp phường xã, giờ giải tán cấp huyện, chia ra thành 5 phường và 2 xã mới. Pleiku là một phường được nhập lại từ 5 phường cũ.
Đặt tên như thế, cái bảo tàng này được những người bình thường, cỡ như tôi, hiểu là nó của... phường Pleiku. Và như thế, cái tên thiếu chữ phường. Tên cũ: Bảo tàng tỉnh Gia Lai, thì tên mới phải là: Bảo tàng phường Pleiku.
Thứ hai, tôi lần theo Luật Bảo tàng, thì nó như thế này: "Bảo tàng Việt Nam bao gồm: Bảo tàng quốc gia là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu trong phạm vi cả nước; Bảo tàng chuyên ngành là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu về một chuyên ngành; Bảo tàng cấp tỉnh là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập có giá trị tiêu biểu ở địa phương; Bảo tàng tư nhân là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về một hoặc nhiều chủ đề". Tức không có bảo tàng cấp... phường.
Thứ ba, tôi biết, trước đó, bảo tàng tỉnh Gia Lai (cũ) trước khi sáp nhập đã có một tờ trình về việc "xin chủ trương đặt lại tên Bảo tàng tỉnh Gia Lai (mới); quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bảo tàng văn hóa các dân tộc gia lai trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Bảo tàng". Trong đó đề xuất: Sau khi nghiên cứu các văn bản hiện hành và thực tế đơn vị quản lý, Hội đồng khoa học nghiên cứu thống nhất đề xuất một số nội dung: Thay công năng Bảo tàng tỉnh Gia Lai thành bảo tàng chuyên đề với tên gọi: "Bảo tàng văn hóa các dân tộc Gia Lai", với các lý do được trình bày khá thuyết phục là: Gia Lai là nơi phát hiện nền văn hóa khảo cổ có niên đại khoảng 80 vạn năm; sự phong phú về loại hình văn hóa khảo cổ trong các giai đoạn hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí; Là địa phương có sự đa dạng về tộc người: Bahanr, Chăm, Hrê, Kinh, Jrai… Sự phong phú về di sản văn hóa gắn liền với đời sống tộc người: Không gian văn hóa cồng chiêng (một phần của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức UNESCO công nhận kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại); sử thi; lễ hội, tín ngưỡng; tri thức dân gian; nghề thủ công truyền thống; các hình thức sinh hoạt văn hóa trong trang phục, âm nhạc, ẩm thực, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất… Bảo tàng Gia Lai hiện đang lưu giữ nhiều sưu tập hiện vật có giá trị tiêu biểu: Văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ đá cũ đến hậu kỳ đá mới; cồng chiêng; dệt thổ cẩm; trống; công cụ lao động sản xuất; văn hóa champa. Là nơi trưng bày giới thiệu không gian di sản văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình đấu tranh của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nơi lưu giữ bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Đại hội các DTTS miền Nam tại Pleiku năm 1946. Nơi có Di tích cấp tỉnh: Di tích danh lam thắng cảnh Quảng trường Đại đoàn kết là nơi diễn ra các sự kiện chính trị, văn hóa, Dâng hương, dâng hoa của lãnh đạo Tỉnh, các ngành, các cấp và các tổ chức, cá nhân thể hiện lòng thành kính với Chủ tịch Hồ Chí Minh; nơi sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí cộng đồng của người dân. Trung bình mỗi tuần khoảng 8.000 người dân với nhiều cộng đồng tộc người khác nhau đến Quảng trường.
Hiện nay tỉnh Gia Lai chưa có một thiết chế hoàn chỉnh, chuyên sâu nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu rộng rãi các giá trị di sản văn hóa nói trên đến công chúng một cách toàn diện. Trong khi đó, với sự phát triển và quá trình đô thị hóa như hiện nay, nhiều di sản văn hóa đã và đang có nguy cơ mai một nghiêm trọng. Do đó việc thành lập một bảo tàng chuyên đề "Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Gia Lai" là cần thiết, để giới thiệu một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển KTXH của địa phương, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; góp phần vào công tác nghiên cứu chung của ngành nhân học vân vân...
Thế nhưng cuối cùng nó đã chính thức được mang cái tên như hiện nay trước sự ngỡ ngàng của khá nhiều người, trong đó có cả một vài lãnh đạo tỉnh hiện tại.
Tất nhiên, khi những người có trách nhiệm quyết định đặt tên như thế, họ cũng phải có lý lẽ của họ, có căn cứ điều này điều kia các cái, có ban bệ tham mưu văn bản này chính sách nọ. Nhưng tôi, một nhà báo, nhà thơ cũng gắn bó nhiều với văn hóa, và nhiều người yêu văn hóa Việt, vẫn thấy ngỡ ngàng, thấy rằng, trong rất nhiều cái tên có thể đặt cho nơi này (nếu vẫn giữ nó) thì cái tên "bảo tàng Pleiku" là ít thuyết phục nhất. Có một số người còn hoài nghi: Hay vẫn có tên TP.Pleiku, hay Việt Nam từ nay có bảo tàng phường, hoặc đây là bảo tàng chuyên đề Pleiku?...
Một lý do nữa cũng được nêu ra: Hay họ nhìn thấy vai trò cũng như thực tế hoạt động lâu nay của bảo tàng tương đương với... phường, nên chuyển nó về đấy?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Văn Công Hùng