Nhà thờ Phanxico là một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Việc bảo tồn, giữ lại toàn bộ những công trình kiến trúc xây dựng từ thời Pháp thuộc ở thành phố Huế là bất khả thi và không phù hợp với xu hướng vận động phát triển đi lên của xã hội. Tuy nhiên, cần khẳng định vai trò quan trọng của mảng kiến trúc này trong không gian đô thị di sản Huế để có cách tiếp cận phù hợp, theo hướng rà soát tổng thể về nhiều mặt, chọn lọc bổ sung vào danh mục những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố, bố trí công năng sử dụng hợp lý cũng như xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ rõ ràng để những công trình này phát huy hiệu quả trong nhịp sống đương đại.
Tạo hành lang pháp lý bảo vệ những công trình tiêu biểu
Đô thị Huế đã trải qua thời gian hình thành gần 400 năm, mỗi giai đoạn lịch sử đều để lại những dấu ấn kiến trúc, thể hiện tính độc đáo, đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa. Những công trình kiến trúc thời Pháp ở Huế đã làm phong phú đời sống đô thị, đây là những điểm nhấn quan trọng tạo nên nét đặc trưng riêng có của thành phố.
Theo Tiến sĩ Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Huế, thành phố cần thành lập Hội đồng để tiến hành trình tự các thủ tục chọn lựa, thống kê, đánh giá phân loại biệt thự, các công trình kiểu Pháp thành từng nhóm theo quy định của Thông tư 38/2009/TT-BXD, ngày 8/12/2009 của Bộ Xây dựng; qua đó, thiết lập các cơ chế chính sách hỗ trợ bảo tồn (nhóm 1 và nhóm 2), xác định những công trình ít có giá trị (nhóm 3) có thể tháo dỡ khi có nhu cầu xây dựng hoặc tôn tạo cảnh quan đô thị. Thành phố cũng cần giao cho các sở ngành liên quan kiểm định chất lượng, xây dựng các nguyên tắc về cải tạo và sử dụng các kiến trúc thời Pháp. Các quy chế cần được duy trì và giám sát kỹ lưỡng việc thực hiện, vừa để đáp ứng các hoạt động, vừa đảm bảo an toàn cho người sử dụng, du khách đến tham quan.
“Từ kết quả kiểm kê, đánh giá toàn diện những công trình kiến trúc Pháp hiện nay, thành phố cần rà soát lại quy hoạch chi tiết, chỉ nên giữ lại những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, phù hợp với không gian đô thị ở một số tuyến đường cụ thể và mang tính đại diện cho giai đoạn phát triển của thành phố. Còn lại có thể xem xét cải tạo, chuyển đổi, xây dựng những công trình mới trên đó đáp ứng yêu cầu phát triển mới của thành phố, đây cũng là cách mà nhiều thành phố có kiến trúc Pháp ở Việt Nam đang làm”, Tiến sĩ Phan Tiến Dũng nói.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Huế Phan Thế Đạt chia sẻ, cảm xúc tiếc nuối là câu chuyện thường gặp khi các công trình kiến trúc có thời gian tồn tại lâu dài bị phá dỡ. Việc lựa chọn giữa bảo tồn hay phá dỡ cần xem xét nhiều yếu tố như sự hài hòa về cảnh quan đô thị, công năng sử dụng, mức độ an toàn và phải phục vụ được cho con người. Việc giữ lại tất cả những công trình kiến trúc Pháp hiện có của Huế để bảo tồn vô hình trung sẽ tạo sức ép cho các nhà quản lý trong việc trùng tu, tôn tạo và khó đạt hiệu quả. Đặc biệt đối với Huế khi đang sở hữu một Quần thể Di tích Cố đô với một hệ thống công trình kiến trúc đa dạng, đồ sộ.
Theo một số nhà nghiên cứu, thành phố Huế cần lựa chọn trùng tu một số hạng mục công trình để làm mẫu cho tổ chức, cá nhân sở hữu kiến trúc Pháp tham khảo. Địa phương nên ưu tiên triển khai bảo tồn một số công trình ở khu vực trung tâm để tạo điểm nhấn về cảnh quan, nhất là các trục chính dọc sông Hương, phù hợp quy hoạch đô thị thời gian tới. Đồng thời, cơ quan chức năng có thể lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đối với một số công trình lớn, tiêu biểu như ga Huế, sân vận động Tự Do, Đại học Huế, Bưu điện Huế…
Lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố Huế cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Khoa Kiến trúc (Trường Đại học Khoa học Huế) nghiên cứu khảo sát đánh giá một số công trình kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc trên địa bàn. Bước đầu đã tập hợp được một số nội dung, dữ liệu, làm cơ sở cho các bước tiếp theo trong việc đánh giá chất lượng, phân loại các công trình này, từ đó tham mưu cho thành phố bổ sung vào danh sách những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu của thành phố thời gian tới.
Phát huy giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch
Công trình Ga Huế mang phong cách kiến trúc Pháp. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN
Trong phân khúc những khách sạn hạng sang của Huế hiện nay có nhiều công trình mang kiến trúc Pháp với dấu ấn lịch sử, văn hóa đậm nét như Saigon Morin Huế, La Residence Hue Hotel... được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn khi đặt chân đến Huế.
Ga Huế được xây dựng từ năm 1908, là một trong số ít những nhà ga đường sắt có lịch sử lâu đời còn giữ được những nét kiến trúc Pháp tiêu biểu đến ngày nay. Năm 2024, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phối hợp với UBND thành phố Huế, thành phố Đà Nẵng khai trương chuyến tàu có tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” tạo cho du khách một sản phẩm du lịch trải nghiệm độc đáo về lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Phát huy giá trị di sản kiến trúc thuộc địa ở Huế phục vụ phát triển du lịch bền vững là một trong những giải pháp tốt nhất để bảo tồn di sản, làm cho di sản sống lại và hòa mình vào cuộc sống đương đại, tránh nguy cơ rơi vào cảnh bị bỏ hoang, xuống cấp. Hai công trình kiến trúc Pháp ở địa chỉ 23 - 25 Lê Lợi từng là trụ sở làm việc của nhiều cơ quan khác nhau, nay đã trở thành không gian văn hóa, triển lãm và đọc sách của thành phố Huế và là điểm tham quan mở yêu thích của du khách ở bờ Nam sông Hương.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Huế Phan Thế Đạt cho rằng, các công trình kiến trúc Pháp trên trục đường Lê Lợi đang được phát huy đúng công năng với các hoạt động văn hóa, cộng đồng quy mô vừa và nhỏ. Việc di dời trụ sở làm việc của các sở, ban, ngành phía đối diện để kêu gọi các nhà đầu tư là hoàn toàn hợp lý, nhằm nối dài khu phố Tây nhộn nhịp từ Đập Đá đến ga Huế, tăng cường các hoạt động về đêm khu vực dọc bờ Nam sông Hương.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, muốn khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển du lịch, đồng thời không đánh mất các giá trị văn hóa - lịch sử, kiến trúc nghệ thuật vốn có của di sản kiến trúc Pháp, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có sự đồng thuận, đồng hành của người quản lý, gìn giữ các công trình. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có những chính sách, chương trình phổ biến thông tin dự án phát triển du lịch di sản kiến trúc Pháp một cách chi tiết và kịp thời đến người dân để tăng cường sự tìm hiểu, ủng hộ và đóng góp ý kiến trong việc quy hoạch, phát triển các dự án du lịch bền vững.
Đồng thời, thành phố Huế cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp du lịch lữ hành thiết kế tuyến du lịch di sản kiến trúc Pháp, đưa du khách đến tham quan, khám phá không gian văn hóa mới, góp phần làm phong phú và đa dạng loại hình du lịch của thành phố Huế.
Bảo tồn những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu là cách giữ gìn dòng chảy lịch sử văn hóa, lịch sử phát triển đô thị của Huế cho hôm nay và mai sau.
Đỗ Trưởng - Tường Vi - Mai Trang (TTXVN)