Quảng Trị triển khai quy hoạch đô thị hơn 1.400ha

Quảng Trị triển khai quy hoạch đô thị hơn 1.400ha
4 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Tà Rụt, huyện Đakrông đến năm 2045. Theo quy hoạch, đô thị mới Tà Rụt có tổng diện tích 1.416 ha, thuộc địa giới hành chính huyện Đakrông. Ranh giới cụ thể: phía Bắc giáp thôn A Liêng, phía Nam giáp xã A Ngo, phía Đông giáp khu vực đồi Plăng và đồi Tăng Oar, phía Tây giáp núi Tà Pùng và núi Đoorng.
Đây sẽ là đô thị tổng hợp trực thuộc huyện Đakrông, đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, phát triển theo mô hình đa ngành, đa lĩnh vực. Các lĩnh vực ưu tiên bao gồm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, logistics, thương mại – dịch vụ – du lịch và nông – lâm nghiệp.
Đồng thời, Tà Rụt được xác định là một trong những trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, thông qua cửa khẩu Quốc tế La Lay điểm kết nối quan trọng với Lào và Thái Lan.
QUY HOẠCH PHÂN KỲ THEO GIAI ĐOẠN
Dự báo đến năm 2035, dân số đô thị Tà Rụt đạt khoảng 13.324 người và sẽ tăng lên gần 19.000 người vào năm 2045. Định hướng quy hoạch sử dụng đất được phân kỳ theo hai giai đoạn chính. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2035: Đất dân dụng chiếm 127,4 ha (khoảng 9% tổng diện tích), bao gồm đất nhà ở, giáo dục, dịch vụ công cộng, cơ quan hành chính, cây xanh đô thị, hạ tầng kỹ thuật và giao thông.
Đất ngoài dân dụng chiếm 142,14 ha (10,04%), bố trí cho hoạt động công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, văn hóa, thể thao, quốc phòng – an ninh và hạ tầng đối ngoại. Đất nông nghiệp và đất khác chiếm 1.146,46 ha (80,96%), bao gồm đất sản xuất nông – lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và mặt nước tự nhiên.
Giai đoạn đến năm 2045: Diện tích đất dân dụng tăng lên 189,39 ha, tương đương 13,37% tổng diện tích đô thị, phù hợp với xu hướng gia tăng dân số và phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững.
TRỤ CỘT PHÁT TRIỂN: CÔNG NGHIỆP, LOGISTICS VÀ DỊCH VỤ BIÊN MẬU
Với lợi thế nằm trên trục giao thông chiến lược gồm Quốc lộ 15D và đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đô thị Tà Rụt được định hướng phát triển mạnh về công nghiệp – dịch vụ gắn với hành lang kinh tế Đông – Tây.
Về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – logistics: Tà Rụt sẽ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên như chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, đóng gói, nước đóng chai... phục vụ nhu cầu xuất khẩu qua Lào và Thái Lan. Các cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề như mộc mỹ nghệ, chế biến dược liệu, thực phẩm truyền thống được bố trí tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.
Hệ thống logistics sẽ được bố trí hai bên tuyến tránh đô thị, kết nối trực tiếp giữa khu trung tâm thương mại và khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa liên vùng và quốc tế.
Về thương mại – dịch vụ: Trên trục đường Hồ Chí Minh, Tà Rụt sẽ hình thành các trung tâm thương mại gắn liền với cửa khẩu Quốc tế La Lay. Đồng thời, quy hoạch các chợ đầu mối, siêu thị và trung tâm dịch vụ tại các khu đô thị và trục giao thông chính, phục vụ nhu cầu giao thương hai bên biên giới và người dân trong vùng.
PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI VĂN HÓA BẢN ĐỊA
Đô thị Tà Rụt không chỉ là điểm trung chuyển hàng hóa mà còn được định hướng là điểm dừng chân du lịch hấp dẫn trong hành trình giữa Lào và Việt Nam. Quy hoạch chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng tại khu vực giáp Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, kết hợp khai thác cảnh quan rừng núi và các dòng suối tự nhiên.
Bên cạnh đó, các điểm du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa đồng bào Vân Kiều, Pa Cô cũng sẽ được đầu tư phát triển. Các hoạt động như dựng nhà sàn nghỉ dưỡng, tổ chức lễ hội cồng chiêng, biểu diễn dân ca, giới thiệu ẩm thực truyền thống... vừa bảo tồn văn hóa bản địa, vừa tạo sinh kế cho người dân địa phương từ du lịch bền vững.
Nguyễn Thuấn
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/quang-tri-trien-khai-quy-hoach-do-thi-hon-1-400ha.htm