Bảo tồn các di sản có giá trị

Bảo tồn các di sản có giá trị
2 giờ trướcBài gốc
Luật Thủ đô 2024
Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hơn 3.800 di tích, di sản, công trình cần bảo vệ theo Luật Thủ đô
Ngày 29/4/2025, tại Kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22), HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn Hà Nội (thực hiện khoản 3, khoản 4 Điều 21 của Luật Thủ đô 2024).
Theo nghị quyết, Danh mục Di sản văn hóa vật thể gồm: danh mục di tích tiêu biểu do UBND TP Hà Nội quản lý, gồm 10 di tích; danh mục di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt, gồm: 22 di tích; danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, gồm: 1.164 di tích. Danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp TP, gồm: 1.600 di tích; danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng, gồm: 46 di tích; danh mục địa điểm gắn biển lưu liệm sự kiện cách mạng kháng chiến, gồm: 354 điểm; danh mục bảo vật Quốc gia đã được công nhận, gồm: 34 bảo vật; danh mục làng cổ, gồm 1 làng cổ.
Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể: danh mục di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh gồm 6 di sản; danh mục di sản văn hóa được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia gồm: 42 di sản; danh mục làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.
Nghị quyết cũng ban hành Danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, trong đó các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm: 21 tuyến phố; các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm: 40 tuyến phố; các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt, gồm: 16 đoạn tuyến phố; các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý, gồm: 11 đoạn tuyến phố.
Danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc gồm: danh mục công trình kiến trúc nhà truyền thống, nhà cổ, nhà phố trong Khu phố cổ Hà Nội với 209 công trình có giá trị đặc biệt và 318 công trình có giá trị đáng chú ý; Danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 222 biệt thự xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2; danh mục công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 40 công trình có giá trị đặc biệt và 33 công trình có giá trị đáng chú ý.
Xây dựng bộ tiêu chí phân loại, quy chế bảo vệ di tích, di sản
Chia sẻ về xây dựng Nghị quyết trên, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước, đồng thời là là nơi chứa đựng số lượng lớn các di sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo với hơn một ngàn năm lịch sử. Tuy nhiên, trước áp lực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều di sản, di tích, công trình kiến trúc có giá trị đang bị xuống cấp, thậm chí có nguy cơ mất đi.
Trong thời gian qua, căn cứ các quy định của pháp luật, TP Hà Nội đã ban hành nhiều danh mục di sản, di tích, các công trình kiến trúc có giá trị có tính pháp lý tại các Nghị quyết của HĐND, các quyết định của UBND TP cũng như tiếp nhận các quyết định xếp hạng các di tích, di sản cấp Quốc gia để bảo vệ và phát huy, tuy nhiên các danh mục vẫn còn phân tán, không có danh mục tổng hợp cụ thể, nhiều danh mục chưa công bố công khai, khó tra cứu và thiếu tính hệ thống.
Việc Luật Thủ đô 2024 được ban hành, trong đó quy định HĐND TP ban hành Danh mục quy định tại Khoản 3, 4 Điều 21 là một trong những định hướng phù hợp trong việc hệ thống, nhất thể hóa danh mục. Đây cũng là cơ chế đặc thù để Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lịch sử Thủ đô trong đời sống đương đại, hiện thực hóa mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022.
Ngoài ra, trong thời gian vừa qua, một số quy định của pháp luật mới được ban hành như: Luật Kiến trúc năm 2019, Luật Di sản văn hóa năm 2024 (thay thế Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009) cũng có các tác động đến sự cần thiết xây dựng danh mục các di tích, di sản, công trình kiến trúc có giá trị của TP. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một danh mục tổng hợp, hệ thống, khoa học về các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cần bảo vệ, phục hồi, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội trở thành yêu cầu cấp thiết.
Việc HĐND TP Hà Nội đã có Nghị quyết ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn TP Hà Nội (Đợt 1) không chỉ cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô 2024, mà hơn hết đây là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của TP, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Cùng với Nghị quyết, TP sẽ xây dựng bộ tiêu chí phân loại, quy chế bảo vệ, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, tránh việc nhiều biệt thự, công trình cổ tại Hà Nội bị biến tướng thành quán cà phê, trung tâm thương mại hoặc tháo dỡ sai phép, gây bức xúc dư luận.
TS Phạm Văn Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, những quy định về xây dựng, phát triển, bảo vệ và quản lý Thủ đô tại Chương III là hành lang pháp lý thuận lợi trong việc xây dựng quy hoạch, kiến trúc; khắc phục những bất cập của thực tiễn trong xây dựng và phát triển Thủ đô, trong đó có phát triển, phát huy các giá trị văn hóa. Cùng với đó, tại Chương III cũng quy định về khu vực nội đô lịch sử, quản lý sử dụng không gian ngầm, bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử... Quy định trong Luật Thủ đô 2024 được xem là động lực mới thúc đẩy việc xây dựng và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến của Hà Nội trở thành những giá trị đặc sắc, đại diện cho hồn cốt dân tộc, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Khoản 3, Điều 21 Luật Thủ đô 2024 quy định các khu vực, di tích, di sản, công trình được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa, như: khu vực Ba Đình; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh; Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được UNESCO công nhận là di sản văn hóa...; khu di tích Cổ Loa; khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây; phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu... Khoản 4, Điều 21 Luật Thủ đô 2024 quy định HĐND TP ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa quy định tại khoản 3 Điều này; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị; quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu.
Minh Châu
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bao-ton-cac-di-san-co-gia-tri-417773.html