Bảo tồn động vật hoang dã nguy cơ tuyệt chủng

Bảo tồn động vật hoang dã nguy cơ tuyệt chủng
12 giờ trướcBài gốc
Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh theo dõi dấu vết gấu ngựa. (Ảnh Khu bảo tồn cung cấp)
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là nơi có hệ sinh thái rừng đặc trưng, phát triển trên núi đá vôi, có cấu trúc hỗn giao tre nứa với cây lá rộng, lá kim, hệ thực vật đa dạng, tạo nên sự đa dạng sinh học, có giá trị bảo tồn loài của Việt Nam và quốc tế... Với tính chất đặc biệt đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa có nhiều loài động vật hoang dã quý, hiếm sinh sống.
Bẫy ảnh sao la, trúng gấu ngựa
Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, gấu ngựa xếp vào danh sách loài sắp nguy cấp. Ở Việt Nam, loài này được quy định tại Phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 64/2019/NĐ-CP.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho biết: Trong khuôn khổ Dự án “Giải cứu sao la khỏi bờ vực tuyệt chủng”, Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam, các đối tác của dự án và đơn vị đã triển khai khảo sát loài sao la tại các khu vực có tiềm năng cao nhất còn tồn tại bằng bẫy ảnh và thu mẫu eDNA môi trường (mẫu vắt và mẫu nước suối) trong thời gian từ tháng 8/2023 đến tháng 6/2024.
Nhóm khảo sát đã nỗ lực vượt qua những địa hình khó khăn phức tạp và thời tiết khắc nghiệt để hoàn thành lắp đặt 385 lượt máy bẫy ảnh, mỗi lượt máy có thời gian đặt trong rừng tối thiểu hai tháng. Tuy nhiên, khi chưa ghi nhận được dấu vết sao la thì nhóm khảo sát đã ghi nhận được kết quả bất ngờ hình ảnh về sự hoạt động của loài gấu ngựa trong khu bảo tồn. Ông Hà Văn Hoan nhớ lại, lúc đó anh em vô cùng hạnh phúc, từ việc phát hiện cá thể gấu ngựa đã mở ra một trang mới trong việc bảo vệ loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng này.
Cá thể gấu ngựa được phát hiện ước tính trọng lượng khoảng 150 kg, hoạt động rất khỏe mạnh. Đây là loài thú có thể tự bảo vệ bản thân để sinh tồn trong tự nhiên, khá nhạy bén với thiên nhiên cho nên rất khó để bẫy ảnh. Hiện nay ban quản lý chưa phát hiện thêm được cá thể gấu ngựa khác, cũng chưa thể xác định được số lượng quần thể loài gấu này trong khu vực.
Tuy nhiên, theo nhiều thông tin từ người dân, thỉnh thoảng trong lúc lên nương rẫy họ tình cờ phát hiện gấu ngựa với kích thước nhỏ hơn. Ông Hà Văn Hoan cho biết thêm, ngoài Quảng Trị, gấu ngựa còn được phát hiện ở một số địa phương khác của Việt Nam như ở tỉnh Quảng Nam vào năm 2014 và tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Sự xuất hiện của loài này tại các khu vực rừng tự nhiên là rất đáng chú ý, từ đó cần thực hiện ngay công tác bảo tồn.
Sự xuất hiện của gấu ngựa tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa là một chỉ số quan trọng cho thấy chất lượng của các khu rừng nguyên sinh, môi trường sống của các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng vẫn được duy trì ổn định; hoạt động quản lý, bảo vệ rừng đang phát huy hiệu quả. Việc phát hiện này còn giúp ban quản lý khu bảo tồn và các nhà khoa học có thêm thông tin để bảo vệ gấu ngựa tốt hơn; cung cấp dữ liệu quan trọng cho định hướng các nghiên cứu khoa học trong tương lai.
Phạm vi phân bố loài gấu ngựa tại tỉnh Quảng Trị được xác định nằm trong hành lang đa dạng sinh học Hướng Hóa- Đa Krông, bao gồm cả Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Đây là địa bàn khá an toàn cho các loài hoang dã hiện có sinh sống, bảo đảm cho việc sinh tồn, phát triển. Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất là nguy cơ xâm hại rừng từ việc săn, bẫy bắt động vật hoang dã và khai thác lâm sản trái phép. Cùng với đó là ảnh hưởng tiếng ồn từ việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, thủy điện, làm đường làm ảnh hưởng đến đời sống của loài này cũng như các loài động vật hoang dã khác.
Gấu ngựa được phát hiện tại Khu bảo tồn Thiên nhiên Bắc Hướng Hóa bằng bẫy ảnh. (Ảnh: Khu bảo tồn cung cấp)
Môi trường an toàn cho động vật quý hiếm
Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa đã nỗ lực bảo vệ tài nguyên rừng mặc dù phải đối mặt nhiều khó khăn như lực lượng mỏng, địa bàn trải rộng. Nỗ lực bảo vệ đạt kết quả, tạo môi trường an toàn cho sự sinh sống của nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm.
Theo ông Hà Văn Hoan, ngay sau khi phát hiện cá thể gấu ngựa, đơn vị có nhiều giải pháp khẩn cấp để bảo vệ như tăng cường phối hợp tuần tra, tháo gỡ bẫy tại rừng, tuyên truyền vận động người dân không bẫy bắt loài gấu ngựa, xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng tại các thôn bản.
Phối hợp với Tổ chức quốc tế Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật tiếp tục điều tra đa dạng sinh học để có thêm cơ sở dữ liệu khoa học, từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn loài trong thời gian tới. Khảo sát và giám sát quần thể gấu ngựa hiện có thông qua các biện pháp bẫy ảnh; theo dõi dấu vết và thu thập mẫu sinh học để xác định số lượng, phân bố, tình trạng sức khỏe của quần thể gấu ngựa trong khu vực.
Tuy nhiên, giải pháp lâu dài cần hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nhằm huy động nguồn lực cho việc bảo tồn, nghiên cứu, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và nguồn lực trong công tác bảo tồn loài gấu. Phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương trong khu vực thông qua hỗ trợ cây giống, con giống, hợp đồng khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển các mô hình nông lâm kết hợp, mô hình kinh tế thân thiện môi trường để người dân giảm áp lực phụ thuộc vào rừng. Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tăng cường thực thi pháp luật, ngăn chặn săn bắt trái phép; nâng cao năng lực cán bộ khu bảo tồn, áp dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra trong tuần tra giám sát.
Cũng tại khu bảo tồn này, các năm trước qua thực hiện điều tra, ban quản lý đã ghi nhận nhiều loài động vật hoang dã đang sinh sống như: Bò tót, thỏ vằn, gà lôi trắng, gà so họng hung, khướu má hung, tê tê, sơn dương, vượn siki, voọc Hà Tĩnh, voọc vá chân nâu, cu li lớn, cu li bé, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, mèo rừng, hồng hoàng…
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Để có giải pháp bền vững bảo vệ gấu ngựa, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa phối hợp các cơ quan, đơn vị khoa học tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chương trình hành động bảo tồn loài gấu ngựa để trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành chương trình hành động.
Phấn đấu đến năm 2030 phát triển khu bảo tồn trên thành vườn quốc gia theo Quyết định số 895/QĐ-CP ngày 24/8/2024 về phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu làm được việc này, đây sẽ là cơ hội để bảo tồn loài gấu ngựa và các loài hoang dã nguy cấp khác dưới sự hỗ trợ từ các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế. “Trên hết, chính quyền các cấp và cộng đồng tại địa phương cần hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ, duy trì an toàn cho gấu ngựa cũng như các loài động vật quý hiếm khác, nhằm đảo ngược xu hướng tuyệt chủng của gấu ngựa và bảo đảm tính đa dạng sinh học cho các khu vực rừng”, đồng chí Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
LÂM QUANG HUY
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/bao-ton-dong-vat-hoang-da-nguy-co-tuyet-chung-post861089.html