Lịch sử Trung Hoa cổ đại chứng kiến không ít những bậc công thần khai quốc lẫy lừng, nhưng ít ai có cái kết bi thảm như Tể tướng Lý Tư, người phò tá Tần Thủy Hoàng dựng nên cơ đồ nhà Tần. Bị gian thần hãm hại, vu oan tội phản quốc, Lý Tư phải chịu cực hình yêu trảm (chém ngang lưng) tàn khốc. Điều khiến hậu thế kinh ngạc không chỉ là cái chết oan khuất của vị tể tướng tài ba, mà còn là lời tiên tri 9 chữ đầy ám ảnh mà ông để lại trước khi lìa đời. Lời tiên tri ấy, chỉ một năm sau, đã ứng nghiệm một cách rợn người, như một điềm báo về vận mệnh suy vong của cả một vương triều.
Lý Tư, một nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà thư pháp nổi tiếng thời Tiên Tần (nhà Tần trước khi thống nhất Trung Quốc), được xem là cánh tay phải đắc lực của Tần Thủy Hoàng trong công cuộc thống nhất sáu nước và xây dựng nhà Tần hùng mạnh. Ông đóng vai trò then chốt trong việc hoạch định và thực thi hàng loạt chính sách quan trọng, từ thống nhất tiền tệ, chữ viết, pháp luật, đến việc thiết lập chế độ quận huyện, củng cố quyền lực trung ương. Công lao của Lý Tư đối với nhà Tần là vô cùng to lớn, không ai có thể phủ nhận.
Sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời, tể tướng Lý Tư bị vu oan giá họa, cuối cùng để lại lời tiên tri ám ảnh. (Ảnh: Sohu)
Tuy nhiên, biến cố chính trị ở đồi cát Sa Khâu năm 210 trước Công nguyên đã đảo lộn tất cả. Tần Thủy Hoàng đột ngột qua đời, Tần Nhị Thế Hồ Hợi lên ngôi lại là một hoàng đế u mê bất tài, bù nhìn, bị hoạn quan Triệu Cao thao túng quyền lực. Triệu Cao, với dã tâm tước quyền đoạt vị, đã tìm mọi cách hãm hại Lý Tư, vị tể tướng uy vọng nhất triều đình, người mà hắn coi là cái gai trong mắt.
Bằng những thủ đoạn thâm độc, Triệu Cao từng bước ly gián mối quan hệ giữa Tần Nhị Thế và Lý Tư, gieo rắc những lời gièm pha, vu khống, khiến Hồ Hợi dần mất lòng tin vào vị tể tướng trung thần. Cuối cùng, Lý Tư bị Triệu Cao vu cáo tội mưu phản, bắt giam vào ngục tối, chịu đựng những trận tra tấn dã man, khốc liệt. Không thể chịu nổi nhục hình, Lý Tư đành phải khuất phục, nhận tội oan khuất. Vị tể tướng khai quốc lẫy lừng bị kết án yêu trảm, một trong những cực hình tàn khốc nhất thời cổ đại.
Trước khi lưỡi đao oan nghiệt rơi xuống, Lý Tư đã ngửa mặt lên trời, than rằng: "Than ôi! Than ôi! Trời xanh ơi!". Rồi ông để lại một lời di ngôn 9 chữ, được ghi lại trong sử sách là "Khấu chí Hàm Dương, Mi lộc du ư triều". Lời tiên tri này mang ý nghĩa sâu xa: "Giặc sẽ kéo đến kinh đô Hàm Dương, hươu sẽ nhởn nhơ gặm cỏ ở triều đình". Câu nói ấy chính là điềm báo về sự diệt vong không thể tránh khỏi của vương triều nhà Tần.
Lời tiên tri của Lý Tư nghe qua tưởng chừng hư ảo, nhưng chỉ trong vòng một năm sau đó đã ứng nghiệm một cách kinh hoàng. Khắp nơi trong nước, khởi nghĩa nông dân bạo phát dữ dội. Cuộc khởi nghĩa do Trần Thắng và Ngô Quảng lãnh đạo nhanh chóng lớn mạnh, quân nổi dậy tiến thẳng về kinh đô Hàm Dương, đe dọa sự tồn vong của nhà Tần. Tiếp đó, Lưu Bang cũng thừa cơ dấy binh, tấn công vào Hàm Dương. Cuối cùng, Hạng Vũ, vị tướng hào kiệt nổi lên trong khởi nghĩa, đã đốt cung A Phòng, biểu tượng uy quyền của nhà Tần, thành tro bụi. Nhà Tần, vương triều đã từng thống nhất Trung Hoa, đã từng hùng mạnh vô song, cuối cùng cũng sụp đổ trong biển lửa khởi nghĩa, biến mất khỏi vũ đài lịch sử, đúng như lời tiên tri đầy ám ảnh của Lý Tư.
Lời tiên tri 9 chữ của Lý Tư trước khi chết, không chỉ là tiếng kêu than ai oán của một trung thần bị vu oan, mà còn là một điềm báo rợn người về vận mệnh suy vong của nhà Tần. Câu chuyện bi thảm về Lý Tư và nhà Tần vẫn mãi là một bài học đau xót về chính trị, về nhân tâm và về quy luật thịnh suy của lịch sử.
Bích Hậu (Theo Sohu)