Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng chiếm ưu thế, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành khác ngày càng nhanh hơn. Phần lớn con em đồng bào các dân tộc thiểu số đi học đại học, học nghề, lao động trong các khu, cụm công nghiệp với thu nhập và đời sống cao hơn ở làng xã, nhưng cũng làm cho bản sắc bị mai một, thậm chí có người mắc tệ nạn xã hội.
Nhà sinh hoạt cộng đồng xóm Bản Đông rộng rãi, có hội trường, không gian sinh hoạt chung cho người dân.
Kinh tế phát triển, diện mạo làng quê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều thay đổi, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, như phong tục tập quán lâu đời, kiến trúc nhà ở, trang phục, ngôn ngữ… có nguy cơ không còn.
Du khách đến một số làng, con em đi làm ăn lâu năm trở về không còn nhận ra, phân biệt được đâu là làng dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Dao, H'Mông. Đó là điều đáng lo ngại.
Trước tình hình đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên được giao chủ trì, bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng xóm Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ; bảo tồn làng truyền thống người Sán Chỉ xóm Đồng Kệu, xã Phú Đình, huyện Định Hóa và bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày xóm Bản Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương. Qua đó, bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng, Sán Chỉ, Tày được bảo tồn, phát huy.
Người dân xóm Bản Đông và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên bàn bạc, thống nhất quản lý, sử dụng nhà văn hóa hiệu quả
Năm 2022, xóm Bản Cái và Thâm Đông, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương được sáp nhập, mang tên mới là xóm Bản Đông. Xóm Bản Đông có 137 hộ, trong đó có 132 hộ dân tộc Tày, khi sáp nhập, nhà văn hóa cấp 4 được xây dựng từ năm 2005 đã xuống cấp, nhỏ hẹp nên không đủ chỗ ngồi cho người dân mỗi khi hội họp; không có không gian để bà con tổ chức các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng.
Triển khai dự án bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày xóm Bản Đông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên tổ chức nhiều cuộc họp bàn với cấp ủy, chính quyền xã Ôn Lương, huyện Phú Lương và người dân xóm Bản Đông về phương án thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng, đồng thời cũng là nhà văn hóa xóm Bản Đông; bảo tồn 5 nhà sàn truyền thống của 5 hộ dân tộc Tày và một số công việc khác để bảo tồn cảnh quan, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Đông.
Nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày xóm Bản Đông được hỗ trợ bảo tồn.
Với cách làm bài bản, thận trọng, tôn trọng ý kiến người dân và giá trị kiến trúc truyền thống, người dân xóm Bản Đông đã thống nhất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng; đồng thời cũng là nhà văn hóa xóm trên diện tích 2.400m2 ngay tại trung tâm xóm, trong đó người dân đồng thuận hiến 1.700m2 đất.
Nhà sinh hoạt cộng đồng mang đặc trưng nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, tầng 1 có diện tích rộng 232m2, tầng 2 rộng 214m2, kết cấu chắc chắn, hệ thống cột, kèo giả gỗ bền vững, lợp ngói và công trình phụ trợ.
Nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày mang những đặc trưng truyền thống.
Nhà sàn truyền thống được bố trí không gian trưng bày, hội trường lớn, sinh hoạt chung được xây dựng trên khu đất cao ráo, thoáng rộng, khuôn viên đẹp, hướng ra cánh đồng nếp vải nổi tiếng, trù phú và rộng lớn. Ai đến cũng nhận ra kiến trúc nhà truyền thống dân tộc Tày, là nơi sinh hoạt cộng đồng đẹp và rộng nhất tỉnh Thái Nguyên hiện nay.
Ngày 11/11 vừa qua, lần đầu tiên người dân xóm Bản Đông tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại nhà sinh hoạt cộng đồng, ai cũng phấn khởi.
Bà Ma Thị Báu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Bản Đông vui mừng: “Tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại nhà sinh hoạt cộng đồng đặc trưng dân tộc Tày, tiện nghi, sân rộng, thoáng mát với các hoạt động giã bánh dày, đánh yến, kéo co, cuối buổi người dân ăn cùng nhau bữa cơm… mang đậm bản sắc, đoàn kết cộng đồng được củng cố nên ai cũng vui”.
Người dân và cộng đồng xóm Bản Đông phấn khởi vì kiến trúc nhà sàn được bảo tồn, tới đây sẽ phục vụ khách tham quan.
Từ ngày nhà sinh hoạt cộng đồng được hoàn thành, với điện, nước đầy đủ, từ chiều tối, người dân tập trung đánh bóng chuyền, luyện tập văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng. Trưởng xóm Bản Đông Nguyễn Văn Truyền cho biết: “Từ khi có nhà sinh hoạt cộng đồng với sân rộng, đời sống văn hóa, thể thao của xóm sôi nổi hẳn lên”.
Theo ông Nguyễn Văn Giáp, 79 tuổi, người dân tộc Tày và là người uy tín xóm Bản Đông, giao thông thuận lợi, hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng hằng năm người dân Bản Đông vẫn duy trì lễ hội Xuân vào ngày mồng 4 Tết với những bản sắc truyền thống như tung còn, bịt mắt đánh trống, đánh yến, giã bánh dầy…
Cảnh quan, môi trường xóm Bản Đông được chỉnh trang ngày càng sạch, đẹp.
Ông Giáp chia sẻ: “Cho dù con em đi học, làm ăn xa, nhưng khi về nhà, hằng ngày trong các gia đình, sinh hoạt làng xóm vẫn giao tiếp với nhau bằng tiếng Tày, là cách để bảo tồn, duy trì ngôn ngữ, tự trọng, tự tôn mình”.
Một số căn nhà sàn xuống cấp, con em đi làm ăn, công tác xa có kinh tế, muốn thay đổi nhà ở cho bố mẹ bằng cách cải tiến, làm nhà mới cho phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại nên nhà sàn truyền thống đồng bào dân tộc Tày có nguy cơ mai một.
Khắc phục tình trạng này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch họp với các hộ dân xóm Bản Đông để chọn 5 ngôi nhà sàn truyền thống, họp với các thành viên, nhất là con em đi làm ăn, công tác xa của 5 hộ gia đình này để thống nhất phương pháp, cách thức, vật liệu bảo tồn mẫu nhà sàn truyền thống. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong các gia đình, đồng thuận cộng đồng, đặc trưng nhà sàn truyền thống của đồng bào được tôn vinh, bảo tồn, cải thiện đời sống chủ nhà.
Gạo nếp vải Phú Lương, đặc sản địa phương được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó “vùng lõi” của loại nông sản hạt tròn, thơm, dẻo nổi tiếng, chế biến các loại thực phẩm như bánh dầy, bánh chưng, cốm là ở xóm Bản Đông với diện tích lên đến 50ha, bình quân mỗi hộ có hơn 0,3ha.
Việc bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày xóm Bản Đông, đặc sản gạo nếp vải sẽ thu hút khách du lịch cộng đồng.
Bà con đồng bào dân tộc Tày thống nhất vụ xuân cấy lúa tẻ để làm lương thực cho cả năm; vụ mùa đồng loạt cấy lúa nếp vải để không chỉ bảo tồn “hạt ngọc” quý truyền từ cha ông mà còn dùng gạo chế biến các sản phẩm hàng hóa, mỗi kg gạo bán với giá 50 nghìn đồng, cao hơn hai lần so các loại gạo nếp trên thị trường, giúp phát triển kinh tế.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, nhà văn hóa cộng đồng, nhà sàn truyền thống và văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày ở Bản Đông được bảo tồn, gắn với nếp vải Ôn Lương là những giá trị tốt đẹp đang được phát huy, là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng ở Bản Đông, tạo tiền đề phát triển bền vững. Mô hình Bản Đông, Tân Đô và Đồng Kệu sẽ lan tỏa trên địa bàn tỉnh.
THẾ BÌNH