Khu vực ngõ nhỏ ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), đã đổi thay theo thời gian. Đời sống người dân được nâng lên và tinh thần đoàn kết, gắn bó luôn còn mãi.
Thật may khi lập gia đình, chúng tôi đã mua được đất gần nhà ông bà ngoại để tiện cho việc qua lại. Vậy là dù đã đi lấy chồng, tôi vẫn được gắn bó với mảnh đất thời thơ bé. Đầu những năm 2000, khi vợ chồng tôi về sinh sống ở xóm nhỏ này, cảnh sắc ở đây đã bớt hoang vu hơn lúc tôi còn bé.
Dẫu vậy, nơi này vẫn còn những hủm sâu (tàn tích từ những trận ném bom của đế quốc Mỹ) và con đường đất đỏ bụi bặm khi nắng, trơn trượt mỗi lúc trời mưa phùn, gió bấc. Tiếng là vùng đất nằm ở trung tâm thành phố Thái Nguyên nhưng khi màn đêm buông xuống, nhà nào cũng chỉ leo lét ánh đèn điện mờ ảo. Cả xóm hầu như chưa có ngôi nhà cao tầng nào, đời sống người dân vẫn còn không ít khó khăn.
Năm 2002, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, con đường vào xóm được mở rộng và đổ bê tông. Từ đây, từng khoảng đất trống, rậm rạp được lấp đầy bằng những ngôi nhà xây khang trang. Nhiều gia đình, đã chấp nhận bỏ ra khoản tiền không nhỏ san phẳng khu đồi đang sống để xây ngôi nhà mới khang trang bám mặt đường bê tông. Bởi lẽ ấy, vùng đất thưa vắng ngày nào, nay đã trở thành khu dân cư đông đúc với những ngôi nhà cao tầng, hiện đại. Thay vì di chuyển trên những chiếc xe đạp, xe máy cũ kĩ, giờ, hầu như nhà nào cũng có 1 đến 2 chiếc ô tô. Mừng nhất là khi đời sống của mọi gia đình đã khá giả hơn trước rất nhiều.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là dẫu cho cuộc sống nhiều đổi thay, nhiều gia đình xa lạ về đây mua đất, xây nhà, nhưng theo nếp cũ của xóm nhỏ thân thương này, tình người vẫn luôn chan chứa. Tôi rất nhớ những ngày cận Tết, dù bận rộn đến mấy, các gia đình vẫn cùng nhau tổ chức nấu bữa cơm tất niên đầm ấm. Nhà ai có diện tích rộng sẽ được chọn là nơi tụ họp. Rồi mỗi người một tay, những mâm lẩu chẳng mấy chốc hoàn thành. Các gia đình ngồi quây quần bên nhau ăn uống, chuyện trò. Tình người cứ như vậy mà ngày càng trở nên gắn bó.
Vui nhất là khi có đám cưới, đám hỏi, cả xóm được dịp tụ họp ca hát từ lúc chập tối. Những ông bố, bà mẹ có con thành thân được hàng xóm đến chung vui mặt mày rạng ngời, hớn hở. Họ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi trong ngày vui của các con, ngoài sự quan tâm của người thân, bè bạn còn có sự góp mặt, chia vui của những người láng giềng tối lửa, tắt đèn có nhau.
Khi nhà ai có việc hiếu, không ai bảo ai, mọi người đều chủ động đến chia buồn và giúp đỡ gia chủ. Trong thời điểm đau thương, bối rối ấy, sự quan tâm, chia sẻ của chòm xóm thật đáng quý biết bao. Rồi cả những gia đình có hoạn nạn, ốm đau cũng được chòm xóm quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình.
Thậm chí, có trường hợp không may bị va chạm giao thông ngoài đường cái (ngay đầu ngõ), cả xóm kéo nhau ra tận nơi hỏi han, giúp đỡ tận tình. Người chuẩn bị xe đưa người bị thương đi bệnh viện, người gọi xe cứu hộ đưa xe đến gara để sửa chữa. Cứ như vậy, người bị va chạm giao thông đã nhanh chóng vượt qua nỗi sợ hãi khi được mọi người trong xóm lo lắng mọi việc từng li, từng tí.
Đi qua những tháng năm đầy gian khó, nay đã bước vào tuổi U50, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sống trong tình làng, nghĩa xóm ấm áp, thương yêu như thế. Thời gian vút qua rất nhanh, vạn vật có thể thay đổi nhưng tình người ở ngõ nhỏ, xóm nhỏ, nơi tôi sinh ra và lớn lên luôn còn mãi.
Tùng Lâm