Thị trấn Schengen cho phép hơn 400 triệu người dân châu Âu và các du khách thập phương tự do đi lại xuyên biên giới giữa 27 nước châu Âu. Vì thế, thị thực Schengen được coi là thị thực quyền lực nhất thế giới.
Nơi ngã ba biên giới
Ngày 14/6/1985, trên con tàu mang tên Công chúa Marie-Astrid thả neo tại khúc sông Moselle ở ngã ba biên giới Pháp, Đức, Luxembourg, thuộc Schengen, năm nước trong cộng đồng châu Âu (EEC) lúc bấy giờ là Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Tây Đức đã ký một hiệp ước bãi bỏ việc kiểm soát biên giới để cho công dân các nước này đi lại tự do trong vùng lãnh thổ thuộc năm nước, gọi là “khối Schengen”. Đến nay, hiệp ước này đã được mở rộng tới 27 nước châu Âu.
Luxembourg là một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu, tiếp giáp với Pháp, Đức và Bỉ. Quốc gia này có diện tích nhỏ đến mức thường vô tình bị bỏ qua trong các tour du lịch châu Âu và tại khu vực rộng nhất bạn có thể chạy xe từ đầu này đến đầu kia chỉ trong một giờ đồng hồ
Tại sao Schengen lại được chọn là nơi ký Hiệp ước? Lúc đó, Luxembourg là Chủ tịch khối EEC nên Schengen được lựa chọn. Nơi đây cũng là điểm giáp giới giữa ba quốc gia thành viên Pháp - Đức - Luxembourg. Để đảm bảo đó là lựa chọn trung tính, các bên tham gia được sắp xếp lên một du thuyền có tên MS Princesse Marie-Astrid, được neo ở vị trí gần sát biên giới giữa ba quốc gia, giữa dòng sông Moselle. Ban đầu, hiệp ước này bị đánh giá thấp. Các thủ tục quan liêu khiến cho việc bãi bỏ hoàn toàn việc kiểm soát biên giới giữa năm quốc gia sáng lập không được áp dụng cho mãi đến năm 1995.
Tuy nhiên, với đa số người dân châu Âu, lợi ích mà hiệp ước Schengen đem lại lớn hơn nhiều so với những phiền toái. Hiệp ước đã tác động đến đời sống hàng ngày của tất cả các quốc gia thành viên khối Schengen với tổng dân số khoảng 400 triệu người.
Tác giả tại triển lãm ảnh ngoài trời về sự kiện ký Hiệp ước Schengen. (Nguồn: TGCC)
Thanh bình Schengen
Từ thành phố Vienna của Áo, tôi đi tàu nhanh của hãng Deutsche Bahn DB (Đức) tới Schengen sau ba lần chuyển tàu (ở Stuggart, Muchen và Dusseldorf) và tới nhà ga Perl, ga cuối cùng của nước Đức. Sau khi xuống tàu, tôi đi bộ chừng hơn 1 km, vượt qua một cây cầu nhỏ bắc qua sông Moselle là tới ngôi làng Schengen.
Ngôi làng thanh bình hiện ra trước mắt tôi với những chiếc xe hơi mang biển số của Đức, Pháp, Luxembourg và những người đạp xe thong thả ngang qua. Không ai ngờ, ngôi làng nhỏ bé nằm ở Đông Nam của Luxembourg này là nơi ra đời Hiệp ước Schengen cách đây gần 40 năm.
Bước trên cây cầu nhỏ xinh, tôi nhìn thấy biển báo hết địa phận nước Đức, tiến dần vào lãnh thổ Luxembourg. Vì có hiệp định tự do đi lại giữa 27 nước châu Âu, nên có thể thấy những chiếc ô tô mang biển số của nhiều nước chạy băng qua mà không có rào cản (barrier), phổ biến là biển số của Đức, Pháp và Luxembourg. Từ trên cầu, tôi cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn dòng sông Moselle hiền hòa - còn được biết đến là đường biên giới tự nhiên giữa Đức và Luxembourg.
Nếu không đi về hướng Luxembourg, không qua cầu, mà từ nhà ga Perl, bạn đi về bên trái một đoạn sẽ nhìn thấy biểu tượng tháp Eiffel và tấm pano chào mừng quốc khánh Pháp 14/7 - bắt đầu bước sang địa phận của nước Pháp. Một vị trí có ý nghĩa lịch sử như vậy nhưng tôi không thấy có cột mốc hoành tráng nào đánh dấu biên giới ba nước Pháp - Đức - Luxembourg. Đọc thông tin trên mạng, tôi thấy có một cột mốc nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa những lùm cây, đánh dấu ngã ba biên giới. Tôi đi tìm khắp Schengen và hỏi cả người dân nơi đây, nhưng không ai biết cột mốc đó có ý nghĩa gì.
Biển báo địa phận lãnh thổ Đức. (Nguồn: TGCC)
Nguồn Baoquocte.vn