Căn biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo có kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.
Biệt thự quyến rũ của Hà Nội
Trên con phố Phan Đình Phùng rợp bóng những hàng cây xanh mát, ngôi biệt thự cổ số 18 vẫn đứng đó trầm mặc và lặng lẽ như chưa từng bị thời gian làm tổn thương. Chủ biệt thự cổ phố Phan Đình Phùng (phường Ba Đình) cho biết: “Ngôi nhà này là biệt thự Pháp cổ của gia đình, được ông bà tôi xây dựng từ năm 1926. Tôi là thế hệ thứ tư của gia đình. Hiện nay, đa phần nhà cổ ở Hà Nội vừa là nơi sinh sống, vừa là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời. Trong quá trình dài sinh sống, nếp sống của từng nhóm dân cư thay đổi đã ảnh hưởng tới kết cấu ngôi nhà”.
Sự đổi thay này khiến những người nặng lòng với Hà Nội xưa như cụ Nguyễn Thị Mơ (80 tuổi, ở phố Phan Đình Phùng) phải trăn trở: “Phố nhà cổ, nhà Tây nói chung là một bước tiến về kiến trúc, về kết cấu đô thị; là nơi ăn, nơi ở của nhiều thế hệ người dân Hà Nội. Rất ít nhà cổ còn giữ được nguyên vẹn, dù vậy phần kiến trúc cơ bản thì vẫn cố giữ”.
Từ tình yêu với các biệt thự cổ ở Hà Nội, có nhiều bạn trẻ tìm đến để chụp ảnh, đọc sách, xem album, hay chỉ đơn giản là lặng ngắm vẻ đẹp của thời gian. Anh Vũ Đức Phong (sinh viên trường Đại học Kiến Trúc) cho hay: “Tôi rất thích những ngôi nhà biệt thự cổ ở Hà Nội, bởi chúng nhuốm màu thời gian. Có những ô cửa xanh rêu, ban công sắt đã gỉ, kiến trúc đến tận bây giờ vẫn mang nét hoài niệm. Tôi thường hay chụp ảnh, khi kết hợp với nhà cổ thì mình có thể kể những câu chuyện qua ảnh. Nhà cổ là câu chuyện bất tận”.
Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị
Thời gian qua, Hà Nội đã và đang thực hiện cải tạo, chỉnh trang các nhà biệt thự, công trình kiến trúc cổ, khôi phục và lưu giữ những nét đẹp lâu đời tại các công trình này. Thành phố đã hoàn thành cải tạo, chỉnh trang 12 biệt thự tại: 55 Phan Đình Phùng; số 5 Thuyền Quang; 68 Lý Thường Kiệt; Trụ sở Hội Văn nghệ sỹ Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo; biệt thự tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài… Quá trình cải tạo biệt thự được thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản, gìn giữ tối đa yếu tố gốc của công trình. Đơn cử như tại biệt thự 49 Trần Hưng Đạo, các chuyên gia kiến trúc đã tỉ mỉ khám phá từng chi tiết của ngôi biệt thự, từ cửa sổ đến cánh cổng, từ sàn nhà đến mái vòm, với sự tôn trọng và duy trì văn hóa thời Pháp.
Ngoài ra, 8 công trình kiến trúc có giá trị trước năm 1954 cũng được bảo tồn, chỉnh trang gồm: trụ sở Tập đoàn hóa chất Việt Nam số 1A Tràng Tiền; trụ sở TAND tối cao số 43 Hai Bà Trưng, 48 Lý Thường Kiệt; bệnh viện K số 43 Quán Sứ; trụ sở Công an phường Hoàn Kiếm, số 2 Tràng Thi; Vaxuco số 1 Hoàng Diệu trụ sở của Tổng Công ty XNK tổng hợp Vạn Xuân Bộ Quốc phòng; Tháp nước Hàng Đậu…
Theo các chuyên gia, biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa là rất cần thiết. Song, quan trọng nhất khi bảo tồn, sửa chữa là vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” đó. Khi chúng ta cải tạo làm văn hóa, làm mốc lịch sử thì chúng ta phải giữ đúng như nó đã từng, từ sàn gỗ, từ cầu thang, từ cửa sổ, từ vật liệu kính ngói,... phải giữ được như cũ. Một công trình cũ đẹp hay không, khi làm mới, nó vẫn phải giữ được ý nghĩa của nó.
Đánh giá về công tác bảo tồn, duy tu, tôn tạo các công trình có lối kiến trúc Pháp tại Thủ đô, TS. KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) nêu quan điểm, để gìn giữ các công trình theo lối kiến trúc Pháp, đồng thời tiếp tục phát triển, khai thác hiệu quả kinh tế - xã hội từ những công trình ấy, Hà Nội nên thực hiện theo mô hình bảo tồn thích ứng, được hiểu là phương pháp bảo tồn chuyển tiếp được các giá trị cũ và bổ sung các giá trị mới phù hợp cho di sản tồn tại được với cộng đồng, với xã hội đương đại.
“Việc gìn giữ và bảo vệ giá trị kiến trúc phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của xã hội là giải pháp rất hay mà chúng ta nên học tập. Bởi nó là vấn đề quyết định đến việc gìn giữ một kho tàng công trình kiến trúc khổng lồ, độc đáo, có một không hai trong dòng chảy hối hả của cuộc sống đương đại” - TS. KTS Trương Ngọc Lân lý giải thêm.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc bảo tồn, tu sửa các biệt thự cũ, cổ là giải pháp để nâng cao chất lượng sống của người dân trong các biệt thự. Chúng ta cần có phân loại giá trị đặc biệt cần bảo tồn nguyên trạng, phân loại biệt thự có giá trị trung bình cần bảo tồn phong cách của nó nhưng được phép cải tạo nội thất bên trong. Một cách phân loại nữa đó là chỉ cần giữ gìn một số công trình chính, còn có thể cải tạo khu vực xung quanh. Quan trọng là chúng ta cần chú trọng đến đặc điểm của từng loại biệt thự.
“Biệt thự cũ là “quỹ di sản” đặc biệt của Hà Nội, việc bảo tồn, sửa chữa các biệt thự cũ, cổ là việc làm rất cần thiết. Quan trọng là khi bảo tồn, sửa chữa, chúng ta vẫn giữ được “hồn cốt” của “quỹ di sản” đó. Không chỉ quan tâm đến vật thể mà còn có cả phi vật thể bên trong nữa” - TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Quang nhận định: “Có rất nhiều biệt thự cổ do sở hữu đa dạng khác nhau, nó xuống cấp. Vì vậy, việc cải tạo sẽ nâng cao được chất lượng sống, chất lượng môi trường, cảnh quan của khu vực và sử dụng được vào những mục tiêu khác nhau, nâng cao được giá trị kinh tế về mặt sử dụng của các biệt thự đó. Đặc biệt, Hà Nội là một TP di sản, các biệt thự Pháp là một phần của TP di sản, cho nên việc cải tạo các biệt thự sẽ tôn lên vẻ đẹp của Hà Nội và thu hút khách du lịch nhiều hơn”.
Giữa Hà Nội hiện đại, những ngôi biệt thự cổ vẫn mãi hiện diện ở đó, như những trang sách mở ra ký ức về một thời thanh lịch. Việc gìn giữ chúng không chỉ là trách nhiệm với di sản, mà còn là cách chúng ta đối thoại với chính quá khứ của mình.
Điều 20 của Luật Thủ đô 2024 đã tháo gỡ các vướng mắc của các bên liên quan trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị. Trong đó, khoản 1 của điều này quy định “việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô...".
Triệu Tâm