Việt Nam sở hữu hệ sinh thái phong phú với hơn 4.000 loài thực vật được sử dụng trong y học, tạo nền tảng cho sự đa dạng văn hóa và tri thức y học cổ truyền của nhiều dân tộc.
Công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật được Biopharm Hòa Bình áp dụng trong quá trình sản xuất.
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý trở thành vấn đề thiết yếu, đặc biệt là trước những thách thức về quy hoạch, bảo tồn và tiêu chuẩn hóa nguồn dược liệu hiện nay. Mô hình "Bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây dược liệu bản địa chữa bệnh xương khớp của dân tộc Mường, Dao trên núi đá vôi" do Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Linh Dược Sơn thực hiện, được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những thách thức này, đồng thời thúc đẩy tiềm năng kinh tế xanh cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Hòa Bình.
Theo bà Đặng Thị Phương Hảo, Giám đốc Công ty Biopharma Hòa Bình cho biết, tỉnh Hòa Bình sở hữu hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đặc biệt là các khu vực núi đá vôi chiếm trên 70% diện tích rừng tự nhiên. Với mục tiêu bảo tồn nguồn dược liệu bản địa và giúp đồng bào giảm nghèo, bà Hảo đã xây dựng mô hình nuôi trồng dược liệu như lan Thạch Hộc, lan Kim Tuyến, lan Gấm, giảo cổ lam, chìa vôi... từ chính nguồn dược liệu tự nhiên quý của các dân tộc Mường, Dao.
Kết quả, mô hình đã thành công trong việc nhân giống hơn 100.000 cây dược liệu chất lượng cao, cung cấp cho các HTX trồng dược liệu trong và ngoài tỉnh như tại xã Phú Vinh, Phú Cường (Tân Lạc), thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn), xã Hùng Sơn (Kim Bôi), Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An và Vườn quốc gia Cát Bà... Đồng thời, mô hình ứng dụng công nghệ in vitro (nuôi cấy mô) để nhân nhanh giống cây lan dược liệu, cung cấp cho thị trường dược phẩm, vừa bảo tồn loài cây quý, vừa tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho sản xuất dược liệu.
Hiệu quả của mô hình không chỉ nằm ở việc bảo tồn và phát triển giống dược liệu, mà còn góp phần lớn vào phát triển kinh tế địa phương. HTX Nông nghiệp Linh Dược Sơn hiện tạo việc làm ổn định cho 16 cán bộ, nhân viên với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ hàng trăm hộ tham gia trồng dược liệu tại các địa phương. Mô hình còn tạo ra nguồn thu đáng kể từ diện tích núi đá bỏ hoang hóa, với doanh thu trung bình đạt 200 triệu đồng/ha.
Điểm đặc biệt của mô hình là khả năng cung cấp giống cây chất lượng cao, nâng cao giá trị kinh tế và biến các loài cây như lan Kim Tuyến, lan Thạch Hộc, lan Gấm thành cây trồng hàng hóa mới, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc, đồng thời giúp phòng, chống các bệnh về xương khớp trong cộng đồng. Với diện tích hiện tại trên 5 ha tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Tân Lạc và Yên Thủy, mô hình này còn nuôi trồng cây dược liệu ngay trên các vách đá, trong các khu rừng tự nhiên đang hoang hóa, giúp bảo vệ môi trường và phục hồi sinh thái rừng.
Theo Hội Đông y tỉnh Hòa Bình, trong suốt quá trình triển khai mô hình, bà Đặng Thị Phương Hảo và đội ngũ luôn chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thành công của HTX Nông nghiệp Linh Dược Sơn không chỉ góp phần vào bảo tồn nguồn gen quý của các cây dược liệu, mà còn khẳng định hướng phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời mở ra hướng đi mới cho kinh tế dược liệu tại các khu vực núi đá vôi đặc trưng của Hòa Bình.
Hồng Duyên