Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025; một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Luật Dược quy định việc bán thuốc online chỉ áp dụng với thuốc không kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Điểm mới đáng chú ý của Luật Dược mới là ghi nhận hình thức mua bán thuốc qua hình thức thương mại điện tử hay còn gọi là bán thuốc online. Đây là lần đầu tiên có các quy định về việc mua bán online.
Theo đó, luật bổ sung và quy định về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Như vậy, việc bán lẻ thuốc online chỉ được áp dụng với thuốc không kê đơn. Thuốc kê đơn được phép bán lẻ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế trong trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
Việc bán buôn thuốc online được áp dụng với thuốc kê đơn và không kê đơn, nghiêm cấm áp dụng hình thức này đối với các loại thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Cơ sở bán lẻ thuốc phải tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng cho người mua thuốc và giao thuốc đến người mua theo hướng dẫn chi tiết của bộ trưởng Bộ Y tế.
Cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy định khác của Chính phủ về bán buôn thuốc và nguyên liệu làm thuốc, bán lẻ thuốc theo phương thức thương mại điện tử.
Việc luật hóa hoạt động bán thuốc online trong Luật Dược sửa đổi là việc phù hợp với xu thế thị trường và kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến ngành Dược nước nhà. Theo đó, người dân được hưởng nhiều tiện ích nhất trong việc mua thuốc hay các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời, việc luật hóa hoạt động mua bán thuốc online cũng giúp công tác cung ứng và quản lý việc mua bán, sử dụng thuốc sẽ minh bạch, hiệu quả, tiến tới định danh trên từng giao dịch, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả điều trị người bệnh, giảm tải cho hệ thống bệnh viện, và đúng xu thế phát triển của khu vực và thế giới về chuyển đổi số.
Phó Tổng Giám đốc FPT Retail, bà Nguyễn Đỗ Quyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống quản lý chặt chẽ nhưng linh hoạt để đảm bảo chất lượng thuốc trong hoạt động bán thuốc trực tuyến.
“Lần đầu tiên hoạt động của mô hình chuỗi nhà thuốc được chính thức luật hóa một cách chi tiết. Việc này đối với doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định sự công nhận của Quốc hội và các cơ quan quản lý đối với vai trò của chuỗi nhà thuốc trong hoạt động cung ứng thuốc đến người tiêu dùng”, bà Quyên nêu.
Dù vui mừng vì hoạt động bán thuốc online đã có hành lang pháp lý. Song theo lãnh đạo của FPT Retail, doanh nghiệp kỳ vọng ở giai đoạn tiếp theo, khi xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn, Chính phủ và Bộ Y tế sẽ tiếp nhận các ý kiến đa chiều, đồng thời tham khảo mô hình quản lý việc bán thuốc online của các nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam để ban hành các hướng dẫn chi tiết và phù hợp với nền kinh tế số.
Còn theo ông Vũ Thái Hà, Giám đốc Vận hành eDoctor, nhu cầu mua thuốc online là rất lớn và sẽ còn tiếp tục tăng. Việc không quy định rõ ràng sẽ dễ dẫn đến rủi ro cho người tiêu dùng. Cần có các quy định cụ thể để đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong kinh doanh dược phẩm trực tuyến.
Dù thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng một số ý kiến cho rằng cần có sự phân biệt giữa bán thuốc online có kiểm soát và các hoạt động bán thuốc tự phát qua livestream trên mạng xã hội. Việc thiếu các quy định chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng bán thuốc “chui”, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc đảm bảo chất lượng thuốc.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương cũng nêu quan điểm cho rằng, hiện có nhiều chuỗi nhà thuốc lớn đã triển khai bán thuốc trực tuyến, song vẫn tồn tại những rủi ro về chất lượng thuốc khi người tiêu dùng mua từ các nguồn không rõ ràng. Vì vậy, bà đề xuất cần có các công cụ pháp lý để phân biệt và quản lý hiệu quả giữa các nhà cung cấp uy tín và các cá nhân bán hàng tự phát trên mạng xã hội.
D.Ngân