Bảo tồn và phát triển sâm quý gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu

Bảo tồn và phát triển sâm quý gắn với phát triển du lịch ở Lai Châu
17 phút trướcBài gốc
Để phát triển bền vững ngành du lịch gắn với bảo tồn giống sâm quý, tỉnh Lai Châu đã triển khai những giải pháp đồng bộ, bảo vệ nguồn gen sâm và phát huy giá trị du lịch sinh thái, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho người dân tại các bản làng.
Sau những chuyến đi rừng và lấy được cây giống sâm mang về vườn nhà trồng, năm 2017 anh Phàn A Sơn, ở bản Sin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã có 300 m2 sâm. Không chỉ bảo tồn và phát triển giống sâm núi quý hiếm của gia đình, anh còn hướng dẫn người dân trong bản ươm hạt để nhân giống, mở rộng diện tích để tạo ra kinh tế cho gia đình.
Bảo tồn và nhân giống sâm là hướng đi phát triển bền vững ở Lai Châu
Anh Sơn chia sẻ: "Trước năm 2016, tôi thấy bà con nhân dân trong bản đi khai thác ở rừng tự nhiên về bán cho thương lái. Tôi cảm thấy cây sâm này giá trị kinh tế rất là cao. Thiết nghĩ bà con đi khai thác ở rừng nhiều rồi sẽ cạn kiệt đi, tôi mới nảy sinh ý tưởng bà con đi lấy từ rừng về rồi thu mua để trồng nhân giống. Mua của bà con về rồi mỗi năm tôi nhân giống ra được một ít. Từ đó tôi mới thấy về làm nông nghiệp thì không có cây trồng nào giá trị cao như cây sâm".
Là người tiên phong của bản trong việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống sâm núi, năm 2023 anh Phàn A Sơn cùng với 4 hộ dân trong bản thành lập HTX bảo tồn và phát triển giống sâm núi Lai Châu. Từ diện tích nhỏ lẻ vài trăm mét vuông ban đầu, nhờ kiên trì và áp dụng đúng kỹ thuật, đến nay diện tích trồng sâm thương phẩm của HTX đã được mở rộng lên hơn 3 ha, vườn ươm hơn 2.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động người địa phương và việc làm thời vụ cho 15 – 20 người, với mức lương trung bình từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Các sản phẩm sâm quý ở Lai Châu đã có mặt ở thị trường trong và ngoài nước
Anh Trần Văn Phát, Giám đốc HTX bảo tồn và phát triển giống sâm núi Lai Châu cho biết, ngoài bảo tồn, nhân giống và phát triển diện tích sâm, HTX còn được Quỹ Thiện tâm, Trung tâm Khuyến công Quốc gia và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ 1 tỷ đồng. Trên cơ sở nguồn vốn này, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay HTX đã cho ra mắt nhiều loại sản phẩm như trà sâm, sâm mật ong, rượu sâm. Những sản phẩm từ sâm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao ở địa phương.
"Trong quá trình trồng ban đầu rất là khó khăn, tôi phải phối hợp với các chuyên gia đầu ngành ở Viện Nghiên cứu lâm sinh dưới Hà Nội chuyển giao kỹ thuật, phối hợp đo để theo dõi cây để làm sao cho cây phát triển tốt nhất. Tới đây HTX sẽ liên kết với Công ty Traphaco và HTX sẽ là đầu mối thu mua các sản phẩm liên quan đến sâm Lai Châu này để chế biến các sản phẩm" - anh Phát cho biết.
Các vườn sâm đang thu hút ngày càng nhiều du khách ở Lai Châu
Phát triển vùng trồng sâm gắn với du lịch sinh thái leo núi cao như đỉnh Putaleng, Pusilung, Puxamcap… đang là hướng phát triển bền vững của ngành sâm Lai Châu. Tại vùng cộng đồng người Mông, Dao, La Hủ… các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trồng sâm đã hình thành lên các tour du lịch. Tại các bản như Sin Chải, Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; Lao Chải 1, xã Khun Há (huyện Tam Đường) du khách không chỉ được khám phá, tìm hiểu văn hóa các dân tộc, mà còn được tham quan, trải nghiệm mua sâm và cùng tham gia trồng, thu hái sâm.
Anh Nguyễn Minh Tượng, du khách đến từ Nghệ An chia sẻ: "Ấn tượng đầu tiên lên tới bản này rất là sạch và đẹp. Ban đầu tôi nghĩ đây là một khu du lịch do một công ty nào đó đứng ra làm; nhưng khi hỏi ra thì mới biết toàn là người dân tự làm hết. Đây là một điều rất là hay, bởi mình đi rất nhiều nơi miền Bắc này nhưng khi đến với Lai Châu mình mới thấy Lai Châu rất khác so với nơi khác. Nhất là được trải nghiệm các vườn sâm Lai Châu về thu hoạch hay cách người dân chế biến cũng là một trải nghiệm văn hóa rất hay".
Mô hình HTX bảo tồn và phát triển giống sâm núi Lai Châu là bước đi đúng đắn trong việc bảo tồn nguồn gen giống quý hiếm, từng bước khẳng định giá trị của sâm quý trên thị trường. Với định hướng và phát triển bền vững, giống sâm quý ở Lai Châu đã trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân vùng cao.
Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Tài nguyên Lai Châu cho biết, việc nhân rộng mô hình này không chỉ giúp bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa phương khác. Sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích của nhà nước và sự chủ động của người dân sẽ là chìa khóa để đưa sâm Lai Châu trở thành một thương hiệu nông sản đặc trưng vùng cao Tây Bắc.
Các vườn sâm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương
Theo ông Lịch: "Hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển sâm trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 3.000ha và đến năm 2045 trồng thêm 7.000ha để đạt được 10.000ha sâm. Chúng tôi đã chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để phát triển sâm và hỗ trợ theo chính sách của tỉnh để bà con có thể phát triển theo chuỗi để có thể hướng tới xuất bán và xuất khẩu".
Nghị quyết số 17 năm 2024 của Tỉnh ủy Lai Châu về phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035 đã đặt mục tiêu phấn đấu sản lượng khai thác sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm. Các sản phẩm sâm được đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc tương đương. Đến năm 2035, phấn đấu đưa sâm Lai Châu cùng với sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao, tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương.
Mục tiêu này đang được các cấp, ngành ở địa phương cụ thể hóa, bởi theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm, có thành phần Saponin phong phú tương tự như sâm Ngọc Linh, với 52 hoạt chất quý hiếm. Đến nay toàn tỉnh Lai Châu đang bảo tồn khoảng 1.200 cây sâm mẹ ngoài tự nhiên, gây trồng trên 21.000 cây mô hình và đã phát triển trồng được gần 100ha. Ngoài diện tích do trên 200 hộ dân tự thuần hóa cây tự nhiên và nhân rộng, hiện địa phương đã thu hút được gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư.
Đến nay Lai Châu có gần 100ha sâm và các vườn sâm đang tiếp tục được mở rộng. Nhiều vùng ở Lai Châu có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để địa phương hướng tới mục tiêu phát triển khoảng 1.000 ha vào năm 2045
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Chúng ta phải nhìn cây dược liệu với góc độ đa giá trị và vai trò của Trung tâm khuyến nông Trung ương cũng như khuyến nông địa phương phải cùng nhau xây dựng mô hình. Từ kết kết hợp trồng cây dược liệu với khác thác nó, chế biến nó và kết nối với các doanh nghiệp. Và đặc biệt là những cây dược liệu có giá trị cao thì phải gắn với du lịch, để thông qua du lịch quảng bá thương hiệu; thông qua du lịch để đánh giá hết được các giá trị của sản phẩm cây dược liệu".
Bảo tồn và phát triển sâm Lai Châu gắn với du lịch đang mở ra cơ hội lớn để nâng cao giá trị kinh tế, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Việc kết hợp giữa bảo vệ và phát triển sâm với mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang giúp Lai Châu khẳng định được thương hiệu độc đáo, thu hút du khách, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc và bền vững. Nếu triển khai hiệu quả hơn nữa, Lai Châu sẽ không chỉ giữ gìn được giá trị văn hóa và tài nguyên thiên nhiên mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế, giúp người dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu bền vững.
Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/bao-ton-va-phat-trien-sam-quy-gan-voi-phat-trien-du-lich-o-lai-chau-post1190013.vov