Bảo trì nhưng phải "xanh"
Trên tuyến đường Ql 70, đoạn qua xã Đại Đồng (huyện Yên Bình), tổ bảo trì của Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Yên Bái đang thực hiện việc cào bóc mặt đường hư hỏng và rải lớp nhựa mới. Tiếng máy móc rền vang nhưng không hỗn loạn; khu vực thi công được rào chắn gọn gàng, có biển cảnh báo rõ ràng và phun nước dập bụi định kỳ mỗi 2 tiếng.
"Ngày trước thi công kiểu cũ bụi mù, dân phản ứng suốt. Giờ thì làm đến đâu che chắn, dọn sạch đến đó, có đội chuyên xử lý môi trường ngay trên công trường. Bụi, ồn giảm hẳn, người dân cũng yên tâm hơn", ông Phạm Đức Lợi, công nhân tổ bảo trì, chia sẻ trong lúc chuẩn bị vận hành máy cắt mặt nhựa cũ.
Thi công bảo trì đường bộ ở Yên Bái, không đánh đổi môi trường lấy tiến độ.
Không chỉ ở tuyến tỉnh lộ, các tổ thi công thuộc Ban Bảo trì đường bộ - Sở Xây dựng Yên Bái cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tại các tuyến đường huyện, đường xã. Trong đó, việc kiểm soát tiếng ồn, bụi, nước thải và quản lý chất thải rắn từ vật liệu xây dựng được đưa vào tiêu chí bắt buộc trong từng gói thầu.
Trước đây, khái niệm "bảo trì xanh" tức bảo trì kết hợp bảo vệ môi trường hầu như chưa được đề cập trong các dự án sửa chữa đường giao thông địa phương. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Yên Bái đã từng bước thay đổi cách tiếp cận.
Ông Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng Kế hoạch quản lý dự án bảo trì quản lý đường kiểm, Ban Bảo trì Quản lý đường bộ, Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Chúng tôi xác định rõ: không đánh đổi môi trường lấy tiến độ. Khi sửa chữa, cải tạo mặt đường, nếu không có biện pháp kiểm soát bụi, chất thải xây dựng thì ảnh hưởng ngay đến đời sống người dân. Do đó, trong tất cả các dự án bảo trì, kể cả quy mô nhỏ, đều có hạng mục đảm bảo môi trường: Che chắn, thu gom rác thải, tưới nước chống bụi, xử lý nhựa thải đúng nơi quy định".
Thực tế ghi nhận tại các tuyến đường như QL32C đoạn qua huyện Trấn Yên, đường tỉnh TlL166 ở Văn Yên hay các tuyến nội thị TP Yên Bái cho thấy sự thay đổi rõ rệt. Công nhân được trang bị khẩu trang chống bụi, nước tưới đường có xe riêng phụ trách, các vật liệu hư hỏng như bê tông vụn, nhựa thải được thu gom ngay trong ngày. Nhiều nơi còn sử dụng lớp bê tông tái chế, tận dụng nhựa cũ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Công trình bảo trì thường thi công "cuốn chiếu", gọn từng đoạn, thời gian ngắn, nhưng nếu không kiểm soát tốt vẫn gây phiền hà cho người dân sống hai bên đường. Chính vì vậy, tại Yên Bái, các tổ bảo trì đều phải thông báo trước cho địa phương, phối hợp với UBND xã/phường để phổ biến tới người dân về kế hoạch thi công.
Bà Nguyễn Thị Thanh, một người dân xã Tuy Lộc (TP Yên Bái), chia sẻ: "Tháng trước họ sửa đường trước cổng nhà tôi, tôi cứ lo bụi bặm ảnh hưởng đến quán nước. Nhưng mấy hôm làm thì thấy tưới nước liên tục, làm xong còn có người đi quét dọn, rất sạch sẽ. Mình cũng vui vì đường tốt lên mà không bị ảnh hưởng sinh hoạt".
Ở phía chính quyền, các Phòng Quản lý đô thị, Tài nguyên - Môi trường cấp huyện thường xuyên phối hợp kiểm tra công trường đột xuất. Nếu phát hiện công trình không đảm bảo vệ sinh môi trường hoặc xả thải sai quy định, sẽ có biên bản xử lý ngay. Nhiều nhà thầu cũng đã tự trang bị đội xử lý môi trường, không chờ bị nhắc mới làm.
Không chỉ là sửa đường, mà còn là xây dựng nhận thức
Bảo trì đường bộ vốn là công việc "lặng lẽ", không được chú ý như các dự án đầu tư mới. Nhưng khi kết hợp với yếu tố môi trường, câu chuyện không còn đơn thuần là sửa đường mà là thay đổi tư duy làm việc: Từ chỗ "làm xong là được" sang "làm sạch, làm kỹ, không ảnh hưởng cộng đồng".
"Có lần, chúng tôi làm đường ở vùng cao Văn Chấn, bà con cứ nghĩ thi công là sẽ để lại rác rưởi, bụi bặm. Nhưng khi thấy anh em dựng rào chắn, thu gom sạch vật liệu, có xe chở rác riêng... thì bà con bắt đầu ra xem, thậm chí xin nước tưới đường để rửa sân nhà. Cái đó không chỉ là thi công mà là lan tỏa thói quen sống sạch, sống xanh", ông Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội bảo trì tuyến Văn Chấn kể lại.
Yên Bái đang xây dựng định hướng bảo trì đường bộ gắn với bảo vệ môi trường bền vững ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, áp dụng kỹ thuật thân thiện môi trường.
Trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2025-2030, Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái đang xây dựng định hướng bảo trì đường bộ gắn với bảo vệ môi trường bền vững: Ưu tiên sử dụng vật liệu tái chế, áp dụng kỹ thuật thân thiện môi trường, cải tiến máy móc giảm khí thải và tăng cường đào tạo công nhân theo chuẩn "thi công sạch".
Bảo trì không còn là công việc "chữa cháy" hay làm cho xong. Tại Yên Bái, mỗi công trình, dù lớn hay nhỏ, đều đang được "xanh hóa" từng bước. Và trong sự lặng thầm của những người công nhân giữa bụi đường và nắng gió, là một cam kết âm thầm nhưng bền bỉ: Giữ cho những con đường quê hương luôn sạch, đẹp và bền vững không chỉ hôm nay, mà cả mai sau.
Hà Thắng