Đàn Cò Ốc xuất hiện trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh: TTXVN phát
Theo đó, UBND xã được giao chỉ đạo lực lượng tuần tra, bảo vệ đàn cò, đồng thời tuyên truyền đến người dân việc săn bắt động vật hoang dã quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật. Đảng ủy xã Ia Mrơn cũng giao Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã trong Sách Đỏ. Các Chi bộ trực thuộc được yêu cầu quán triệt đảng viên và người dân chấp hành nghiêm chính sách pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học.
Việc bảo vệ đàn Cò Ốc không chỉ góp phần giữ gìn sự đa dạng sinh học mà còn thể hiện trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng. Theo quy định của pháp luật, việc săn bắt trái phép động vật quý hiếm có thể bị xử lý hình sự.
UBND xã Ia Mrơn đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện Ia Pa theo dõi, giám sát đàn chim, đồng thời kêu gọi người dân chung tay bảo vệ loài chim quý hiếm này, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Loài Cò Ốc có tên khoa học là Anastomus oscitans, thuộc họ Hạc, nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Đây là loài chim sinh sống chủ yếu tại các vùng đất ngập nước, đồng ruộng, thường xuất hiện thành từng đàn. Theo đánh giá ban đầu, sự xuất hiện của đàn Cò Ốc tại cánh đồng xã Ia Mrơn cho thấy môi trường sinh thái tại địa phương còn giữ được nét hoang sơ, thích hợp cho các loài chim di cư sinh sống và kiếm ăn.
Hồng Điệp (TTXVN)