Bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác

Bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác
5 giờ trướcBài gốc
Huyện Đam Rông đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ nguồn khoáng sản trên địa bàn
Khoáng sản là tài nguyên hữu hạn và không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đạt hiệu quả kinh tế cao, tránh thất thoát nguồn tài nguyên và ngân sách nhà nước. Do đó, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, cá nhân có liên quan và các tầng lớp Nhân dân.
Trên cơ sở Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 13/9/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Đam Rông đã thành lập tổ thường trực xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tổ thường trực có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và thực hiện các thủ tục xử lý vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản theo quy định; đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Bên cạnh đó, từ tháng 9/2023 đến nay, UBND huyện Đam Rông cũng đã ban hành hơn 18 văn bản chỉ đạo, 1 quy chế phối hợp, phê duyệt 1 kế hoạch kiểm tra, quản lý đối với hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện.
Để bảo vệ tốt nhất nguồn khoáng sản chưa khai thác, lãnh đạo huyện Đam Rông đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản trong Nhân dân. Đam Rông là địa bàn giáp với hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông và hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cũng thường diễn ra ở những khu vực giáp ranh. Bởi vậy, UBND huyện Đam Rông đã thường xuyên chủ động đề nghị phối hợp với các huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) và huyện Lâm Hà trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh; trao đổi thông tin liên quan về khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác cát lòng sông; phối hợp trong phát hiện, ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép… theo các quy chế phối hợp đã ký kết giữa tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; giữa huyện Đam Rông với huyện giáp ranh.
UBND huyện Đam Rông cũng thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản tại địa phương; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đoàn liên ngành huyện và UBND các xã kịp thời kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản không phép. Các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ, duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản không có giấy phép. Những hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp bị phát hiện đều xử lý nghiêm theo quy định. Do đó, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện cơ bản đã được chấn chỉnh và dần đi vào nền nếp.
Thống kê của UBND huyện Đam Rông cho thấy, tính từ tháng 9/2023 đến hết năm 2024, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức 48 đợt kiểm tra định kỳ đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn (bao gồm kiểm tra khu vực giáp ranh với huyện Đắk Glong); đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ khai thác khoáng sản (cát làm vật liệu xây dựng thông thường) trái phép gồm 2 đối tượng với tổng số tiền phạt đã thu nộp ngân sách nhà nước 53 triệu đồng.
Đối với khu vực giáp ranh với huyện Đắk Glong, trong năm 2024, đã tổ chức kiểm tra và phát hiện 2 vị trí có dấu hiệu đang đào xới, khai thác khoáng sản trái phép nằm trên ranh giới giữa xã Phi Liêng (huyện Đam Rông) và huyện Đắk Glong; UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan và UBND các xã xử lý, giải tỏa. Đối với khu vực sông Krông Nô - giáp ranh với huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk), thông qua công tác kiểm tra và rà soát, kết quả cho thấy từ năm 2022 đến nay không phát sinh hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đối với 4 giấy phép khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp, UBND huyện Đam Rông đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện giấy phép khoáng sản (đối với Công ty TNHH Tuấn Vượng 68); kiểm tra, giám sát việc chấp hành đình chỉ, tạm dừng khai thác khoáng sản, đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý và khắc phục những tồn tại, hạn chế đối với 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH Ngọc Bình, Công ty TNHH Khoáng sản Song Long Đà Lạt, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Hoàng Thịnh).
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Đam Rông, mặc dù công tác quản lý khoáng sản được thực hiện chặt chẽ song vẫn còn có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh với huyện Đắk Glong, chưa được xử lý dứt điểm. Do đặc thù địa bàn rộng, chủ yếu là đồi núi, đường đi lại còn khó khăn, lực lượng kiểm tra mỏng, đội ngũ công chức còn kiêm nhiệm các lĩnh vực khác nên việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý khai thác khoáng sản trái phép có lúc chưa kịp thời.
Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ này, huyện Đam Rông tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về khoáng sản cho các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn; vận động Nhân dân cùng giám sát hoạt động khoáng sản, không khai thác, chế biến khoáng sản trái phép, mua, bán, tiêu thụ, tàng trữ, vận chuyển, tập kết khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân vi phạm cho chính quyền địa phương. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác bảo vệ hiệu quả khoáng sản trên địa bàn.
NGỌC NGÀ
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202502/bao-ve-nguon-khoang-san-chua-khai-thac-9146143/