Bảo vệ quyền lợi nhà giáo

Bảo vệ quyền lợi nhà giáo
5 giờ trướcBài gốc
Lan tỏa tấm gương nhà giáo
Thầy Nguyễn Văn Nghiệp - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội) được biết đến là người khởi xướng phong trào Tiếng trống học bài trên địa bàn huyện Ba Vì. Thầy cũng là một trong những nhà giáo đầu tiên được nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo.
Thầy Nghiệp cho biết, gia đình có truyền thống nghề giáo nên từ nhỏ, thầy đã biết đến Báo Người giáo viên nhân dân, tiền thân của Báo GD&TĐ ngày nay. Những thông tin từ Báo, tấm gương người tốt việc tốt đã truyền động lực giúp thầy thêm yêu nghề giáo và quyết tâm theo đuổi nghề trong suốt cuộc đời.
Phong trào Tiếng trống học bài lan tỏa trong các trường học huyện Ba Vì.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, thầy Nghiệp đã chủ động phối hợp cùng công đoàn nhà trường xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động, đăng ký thực hiện phong trào trong toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường.
Trong quá trình công tác, thầy luôn gương mẫu triển khai, đồng thời vận động nhân viên nhà trường tham gia đăng ký đổi mới, sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Thầy đã cùng tập thể nhà trường, lãnh đạo địa phương tổ chức thành công và sáng tạo nhiều hoạt động giáo dục.
Đặc biệt, thầy Nghiệp đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất Đảng ủy xã Phú Châu ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác giáo dục, đề xuất UBND xã Phú Châu ban hành quy chế thực hiện phong trào Xây dựng xã hội học tập thông qua Tiếng trống học bài vào buổi tối tại các cụm dân cư trên địa bàn xã Phú Châu.
Cô trò Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) tìm hiểu thông tin trên Báo GD&TĐ.
Tiếng trống học bài vào mỗi buổi tối đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong thôn, xóm; hiện tượng thanh thiếu niên tụ tập ngoài đường, nơi công cộng trong các buổi tối giảm hẳn. Các tệ nạn, tiêu cực xã hội liên quan tới thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể.
Thầy Nghiệp cho biết, những tấm gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo luôn được thầy tìm đọc trên Báo GD&TĐ. Đây là kênh thông tin chính thống, tiếng nói của nhà giáo cả nước nên rất có uy tín. Nhờ đọc báo, thầy luôn ấp ủ những sáng kiến để đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, đồng thời muốn qua báo để chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình dạy học.
Bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo
Bên cạnh việc lan tỏa tấm gương nhà giáo đổi mới sáng tạo, Báo GD&TĐ còn là tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích của nhà giáo, người lao động cả nước. Những thông tin trên báo đã góp phần quan trọng để các cấp chính quyền đưa ra những quyết sách phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ.
Thầy Phùng Đức Tăng - giáo viên hợp đồng huyện Ba Vì chia sẻ: Năm 2020, sau hơn một năm đấu tranh đòi quyền lợi, gần 2.000 giáo viên hợp đồng Hà Nội đã vượt qua kỳ thi tuyển viên chức để tiếp tục đứng trên bục giảng. Trong quá trình này, Báo Giáo dục và Thời đại đã đồng hành cùng các thầy, cô giáo để có được kết quả cuối cùng.
Thầy Tăng nhớ lại: Kết thúc năm học 2018 - 2019, huyện Ba Vì chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Để trang trải cuộc sống, tôi phải bươn trải nhiều nghề, mùa Hè rong ruổi đi lắp đặt điều hòa, hết mùa lại làm điện nước, rồi khung nhôm cửa kính, hàn xì, ai cần việc gì thì tôi làm nấy với ngày công 200 nghìn đồng.
“Suốt 18 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, trải qua 6 kỳ thi tuyển viên chức, cuối cùng tôi cũng được vào biên chế. Tôi đã vượt qua được chính mình và quan trọng hơn được tiếp tục đứng trên bục giảng. Niềm vui này có được nhờ sự lên tiếng kịp thời và đồng hành quý giá của Báo GD&TĐ”, thầy Tăng nói.
Thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên.
Khẳng định Báo Giáo dục Thời đại đóng vai trò quan trọng trong quá trình đòi quyền lợi của giáo viên hợp đồng, thầy Nguyễn Văn Thắng - nguyên giáo viên Trường THCS Cẩm Bình (Phúc Thọ, Hà Nội) không giấu nổi niềm vui: Năm 2020, tôi đã trúng tuyển trong kỳ thi viên chức giáo dục nhờ chính sách xét tuyển ưu tiên của thành phố đối với giáo viên hợp đồng lâu năm.
Dù phải rời Trường THCS Cẩm Bình sau 9 năm gắn bó để đến dạy ở Trường THCS Tam Hiệp, cách xa nhà 15km, nhưng với tôi khoảng cách đó chỉ là chuyện nhỏ, bởi từ năm học này tôi đã có niềm vui lớn là được tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.
“Nhiều năm trong nghề, đã tham gia 2 - 3 kỳ thi tuyển viên chức nhưng đến tận năm 2020 mới được vào biên chế. Trong 4 năm vừa qua, cuộc sống bớt khó khăn hơn, tôi đã yên tâm công tác, cống hiến cho ngành Giáo dục. Được đứng trên bục giảng, tôi biết ơn Báo Giáo dục và Thời đại đã hỗ trợ, đồng hành, lên tiếng bảo vệ quyền lợi của giáo viên hợp đồng chúng tôi”, thầy Thắng tâm sự.
Là giáo viên, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên Trường THPT Phú Xuyên (Phú Xuyên, Hà Nội) luôn gắn bó với tờ báo của ngành. Thông tin trên báo giúp đội ngũ nắm bắt được tình hình thời sự của giáo dục, những tấm gương đổi mới sáng tạo trong dạy học, kinh nghiệm từ các nước trên thế giới.
Đặc biệt trong năm 2023, Báo đã đồng hành, góp tiếng nói quan trọng giúp gần 23 nghìn giáo viên Hà Nội được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Kỳ xét thăng hạng giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục; bảo đảm quyền lợi của đội ngũ viên chức giáo viên và thực hiện hiệu quả các mục tiêu kinh tế - xã hội của thành phố.
Hướng tới phục vụ giáo giới cả nước, Báo GD&TĐ đã và đang phát huy tốt vai trò lan tỏa những mô hình hay, tấm gương điển hình tiên tiến trong sự nghiệp giáo dục. Qua đó, nhiều giá trị nhân văn được nhân lên từ bài học kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương chia sẻ”, cô Nguyễn Thị Thúy Liễu - Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Đình Liệu, Trà Vinh nhìn nhận.
Vân Anh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/bao-ve-quyen-loi-nha-giao-post710455.html