Cô giáo Trần Thị Thương - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) trao tặng quà cho học sinh.
Hơn 10 năm kể từ ngày Hoàng Thị Hoa (Hoa Hoàng) bén duyên với công tác thiện nguyện, đến nay, ngọn lửa nhiệt huyết hướng đến trò nghèo vùng cao vẫn luôn bỏng cháy trong cô!Ở nhiều trường của vùng cao Tây Bắc, cô và trò hay gọi Hoàng Thị Hoa bằng tên gọi thân thương - “Cô Hoa thiện nguyện”.
Tiếp nối truyền thống gia đình...
Cũng phải khá nhiều lần chúng tôi đặt vấn đề, chị Hoàng Thị Hoa (nick name facebook Hoa Hoàng) - trưởng Nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng (Hà Nội) mới đồng ý cho viết về cô và nhóm thiện nguyện. Những gì cô chia sẻ cũng khiêm tốn như chính con người cô vậy.
Hoàng Thị Hoa sinh năm 1990, tại Cầu Giấy (Hà Nội). Cô lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thiện nguyện. Từ những năm 2010, khi mới 20 tuổi, cô đã có những chuyến thiện nguyện đầu tiên tại tỉnh Điện Biên - nơi cực Tây Bắc của Tổ quốc. Chuyến đi này phần vì qua sách, báo cô biết đến Điện Biên, biết đến trò nghèo, phần cũng bởi ngày trước cô thấy ông, cha mình vẫn chắt chiu từng những đồng tiền lẻ gom nhặt được để gửi gắm đến những mảnh đời khó khăn khắp cả nước qua những chuyến thiện nguyện.
Còn nhớ chuyến thiện nguyện mà chúng tôi với Hoa Hoàng phối hợp thực hiện vào cuối năm 2018, khi ấy Pá Mỳ vẫn còn là xã “nội địa” của huyện biên giới Mường Nhé (Điện Biên) với vô vàn khó khăn. Gần 300 triệu đồng mà chính tay Hoa Hoàng kêu gọi như thắp sáng lên phong trào thiện nguyện ở huyện nghèo nhất cả nước này.
Từ tờ mờ sáng, những đứa trẻ vùng cao của 3 trường: Mầm non, Tiểu học và THCS xã Pá Mỳ đã băng rừng, vượt núi co ro đứng khắp sân trường để mong được sớm đón đoàn thiện nguyện, phần cũng bởi các em háo hức được nhận những chiếc chăn chiên, tấm áo khoác ấm áp đầu đời để vượt qua mùa Đông băng giá.
“Khi làm việc với Báo GD&TĐ, thực sự tôi rất yên tâm. Yên tâm bởi đây là tờ báo uy tín của ngành Giáo dục, uy tín khi được bạn đọc trong nước và quốc tế tin tưởng. Bởi lẽ đó, tôi cũng như các mạnh thường quân luôn tin tưởng những phần quà mà chúng tôi phối hợp thực hiện, gửi gắm sẽ đến đúng đối tượng, tiếp thêm nghị lực vượt khó cho các em học sinh trong hành trình đi tìm con chữ” - Hoàng Hoa chia sẻ.
Nhà báo Nguyễn Đức Tuân (thứ 3 bên trái) - Phó Tổng Biên tập Báo GD&TĐ và cô Hoa Hoàng (thứ 3 bên phải) trao tặng quà cho cô, trò các trường tại xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên).
Rồi năm 2020, khi nghe tin học sinh của huyện Mường Ảng (Điện Biên) thường xuyên thiếu đói mùa giáp hạt, Hoa Hoàng lại tất tả kêu gọi và được mạnh thường quân trong và ngoài nước chung tay ủng hộ. Hàng trăm phần quà ý nghĩa được nhanh chóng chuyển tới kịp thời hỗ trợ học sinh. Cũng trong chuyến thiện nguyện này, cô có tâm nguyện muốn dành tặng học sinh mầm non một số xã trên địa bàn huyện một “bữa cơm có thịt”. Thế là, hơn 1.000 suất ăn đã được giáo viên các trường phối hợp triển khai. Dù rất vất vả trong công tác “hậu cần”, từ đi chợ lựa chọn thịt, đùi gà tươi đến việc bếp núc, song nhìn khuôn mặt rạng ngời, tươi vui của đám trò nhỏ khiến ai nấy đều cảm thấy yêu thương, hạnh phúc...
Tham gia chuyến đi này, gia đình Hoàng Thị Hoa có đủ 4 thế hệ. Trong đó có ông nội cô (đã ngoài 80 tuổi), bố cô và cả đứa con đầu lòng đang học lớp 4.
Với mỗi chuyến thiện nguyện như vậy, ngõ 68 Cầu Giấy (Hà Nội) nơi gia đình cô đang sinh sống luôn tấp nập người ra, người vào mỗi ngày. Người đến thì góp, gửi quà vì không có điều kiện đi tận nơi trao tặng, hoặc cũng có khi là đến phối hợp để vận chuyển quà từ kho ra xe để kịp chuyển đi.
Trước cửa nhà Hoàng Thị Hoa được thiết kế tấm biển nhỏ với dòng chữ “Ai có thì cho - ai cần thì lấy”. Thông điệp và địa chỉ này đã quá quen thuộc với người dân Hà Thành suốt gần chục năm nay.
Cô Hoa Hoàng (ngoài cùng bên phải) tâm sự cùng cô trò điểm trường Pú Chả, xã Mường Mươn.
Trung thu đầu tiên...
Ngày 23/9/2023, Báo GD&TĐ đã chuyển trao hàng trăm suất quà ý nghĩa nhân dịp Tết Trung thu cho học sinh khó khăn tại huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Hai chương trình “Trao xe đạp cho học sinh khó khăn” và “Trung Thu cho em” được triển khai lần này do Hoa Hoàng cùng chị Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) phát tâm kêu gọi và đông đảo mạnh thường quân trong cả nước đồng hành, ủng hộ.
Tổng số quà mà chương trình quyên góp được lần này có giá trị hơn 220 triệu đồng. Trong đó, gồm: 70 chiếc xe đạp; 1 vòng quay 9 con giống; 1 xích đu 3 con giống; 1 bộ cầu trượt mái lá; 400kg gạo; 200 thùng mì tôm; 170 phần quà Trung thu; 10 suất quà cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; nhiều bộ đồ chơi, quần áo ấm cho học sinh...
Cô giáo Nguyễn Hải Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ta Ma (Tuần Giáo) bộc bạch: “Chúng tôi rất vui, xúc động khi đón nhận được những phần quà đầy ý nghĩa này. Các con được đón Tết trong không khí đầy ấm áp, niềm hạnh phúc hiển hiện lên rõ trên khuôn mặt của mỗi bé. Tôi tin chắc rằng, những phần quà đầy nhân ái này sẽ góp phần to lớn trong việc huy động học sinh đến trường. Từ đó, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần sẽ được duy trì và nâng cao”.
Ông Lò Văn Tói - Chủ tịch UBND xã Ta Ma cho biết: Đây là Tết Trung thu đầu tiên của tất cả học sinh nơi đây. “Xã chúng tôi rất khó khăn, giao thông cách trở, chủ yếu là đồi núi. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn cao. Bởi thế, đây là Tết Trung thu đầu tiên của tất cả các cháu”, ông Lò Văn Tói nói.
Học sinh vùng cao háo hức ra hỗ trợ vận chuyển quà.
Hoa Hoàng - “người con” của núi!
Ở nhiều trường nơi của vùng cao Tây Bắc, cô và trò hay gọi Hoàng Thị Hoa bằng tên gọi thân thương - “Cô Hoa thiện nguyện”.
Từ 2018 đến nay, Báo GD&TĐ đã kết nối với các mạnh thường quân trong cả nước thực hiện hơn 20 chương trình thiện nguyện tại các tỉnh Tây Bắc. Đã có gần 14.000 suất quà ý nghĩa được trao tặng tới tận tay các giáo viên, học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Tổng giá trị các suất quà huy động được từ các chương trình là gần 4 tỷ đồng. Trong đó, nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng kêu gọi 14 cuộc với giá trị các suất quà hơn 2,3 tỷ đồng.
Báo GD&TĐ trao quà (trị giá hơn 300 triệu đồng) cho cô trò vùng lũ Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên).
Những ngày đầu năm 2024, thầy trò các trường trên địa bàn xã Mường Mươn (Mường Chà, Điện Biên) ai nấy đều vui mừng, phấn khởi khi liên tiếp 3 lần đón nhận những phần quà đầy ý nghĩa và thiết thực. Hơn 1 tỷ đồng được đầu tư mua sắm gần chục trạm điện năng lượng Mặt trời tại các điểm bản, 5 công trình mái che, đồ chơi ngoài trời, chăn, gối, áo khoác, gạo, mì tôm... cho học sinh nơi đây.
Song có lẽ, giáo viên hai cấp mầm non, tiểu học ở những điểm bản khó như: Huổi Meo, Pú Vang, Huổi Nhả, Pú Múa, Huổi Ho... là những người vui hơn cả bởi lần đầu có điện.
Đại diện Báo GD&TĐ và nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng trao tặng quà cho cô trò Trường Mầm non Mường Mươn số 2.
Cô Trần Thị Thương, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non số 2 Mường Mươn xúc động nói: “Mỗi chiều, các em tan học ra về thì giáo viên cắm bản ở đây buồn lắm. Họ chỉ có một mình với bóng đêm. Giờ có điện rồi, các cô có thể kết nối máy tính để soạn bài, nấu cơm, có quạt mát mỗi khi hè về. Trong giờ học có thể bật quạt mát cho các con học, rồi giảng bài trực quan qua máy tính. Cô trò ở đây ai cũng vui!”.
“Có đến tận nơi mới thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của các cô. Thực sự là họ thiếu thốn đủ bề. Không điện, không nước, không có sóng điện thoại, đường đi thì hiểm trở, đầy rẫy hiểm nguy... Qua việc kết nối với Báo GD&TĐ để thực hiện các chuyến thiện nguyện ở vùng cao, mỗi chuyến đi cho tôi thêm một trải nghiệm mới. Bằng tình cảm của mình, tôi sẽ đi tiếp, kết nối tiếp để giấc mơ đến trường của các con được dài thêm”, Hoa Hoàng chia sẻ thêm.
Dù có nhiều đóng góp cho giáo dục vùng cao, song Hoa Hoàng luôn cho rằng tất cả chỉ bởi chữ duyên. Cô có duyên với trò nghèo vùng cao, có duyên và niềm tin với các mạnh thường quân nên cô cảm thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn với hoạt động này. Tất cả chỉ với mong muốn những “hạt mầm” nơi mảnh đất khô cằn sớm “đơm hoa, kết trái”.
“Tôi thấy những đóng góp của mình cho các con còn rất nhỏ bé. Những gì tôi đã làm được trong suốt thời gian qua đó là kết quả của sự tin tưởng từ mạnh thường quân khắp cả nước yên tâm gửi gắm mà thôi. Với những đồng tiền lẻ mà nhiều người đã lấy ra từ bàn thờ tổ tiên hay những đồng tiền đập ra từ con lợn đất tiết kiệm của các cháu nơi phố thị chuyển đến, không cho phép tôi bất cẩn hay thiếu trách nhiệm ở bất cứ khâu nào khi triển khai. Mong muốn của tôi thì còn rất nhiều, song có thực hiện được hay không, tất cả đều phụ thuộc vào niềm tin của các mạnh thường quân dành cho tôi nữa!” - Hoàng Hoa nhấn mạnh.
Ngọc Diệp