Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế

Bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế
4 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang):
Chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về bảo hiểm y tế
Về mức hưởng bảo hiểm y tế, dự thảo Luật đã mở rộng quyền lợi cho người bệnh theo hướng “người tham gia bảo hiểm y tế tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và quy định về chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán”. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vì quy định này có thể dẫn đến trường hợp bệnh nhân sẽ dồn lên tuyến trên có kỹ thuật cao hơn và không khám tại tuyến cơ sở, gây quá tải cho tuyến trên, phá vỡ tuyến cơ sở.
ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang)
Về chuyển tuyến điều trị, dự thảo Luật sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế. Theo dự thảo Luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mãn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mãn tính. Cần cân nhắc quy định này với lý do cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cấp chuyên môn thấp hơn thì không có đầy đủ thuốc, thiết bị y tế như tuyến trên; người bệnh sẽ phản ánh, không giải quyết được.
Về giải quyết tranh chấp, dự thảo Luật quy định, các bên tranh chấp có trách nhiệm tự hòa giải về nội dung tranh chấp; trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, hiện nay đa số cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tự chủ tài chính, phần lớn nguồn thu của đơn vị phụ thuộc vào việc thanh quyết toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội để trả lương, thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế, trả tiền thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm cho công ty cung cấp... Thực tiễn còn nhiều bất cập, chưa có thống nhất giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh trong thanh toán chi phí đã sử dụng cho người bệnh, dẫn tới nợ đọng kéo dài, gây khó khăn cho hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh.
Xuất phát từ thực tế này, dự thảo Luật cần có quy định bên thứ ba tham gia vào quá trình hòa giải để giải quyết những vấn đề chưa thống nhất giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người có bảo hiểm y tế; không nên quy định đưa ra tòa vì sẽ dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc):
Tạo thuận lợi cho người bệnh tiếp cận dịch vụ y tế
Tôi đánh giá cao việc Chính phủ bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng, trong quá trình sửa đổi Điều 31 của Luật Bảo hiểm y tế cần cân nhắc bổ sung quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí mua thuốc của cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của thầy thuốc và trước khi người bệnh ra viện sẽ tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc)
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để tiếp tục luật hóa một đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng là người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bởi đây là những đối tượng đang được ngân sách đóng bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định số 75/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế và trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37, cần cân nhắc quy định người có thẻ bảo hiểm y tế có quyền đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế không cần giấy chuyển viện tại tất cả các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật ban đầu và cơ bản (toàn bộ các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh) và được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế 100% theo mức hưởng bảo hiểm y tế trên thẻ bảo hiểm y tế.
Đồng thời, dự thảo Luật cần bổ sung quy định cho phép người bệnh sau khi được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật can thiệp, phẫu thuật theo danh mục của Bộ Y tế được đến thẳng các cơ sở thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu (các bệnh viện tuyến Trung ương hiện nay) để khám, chữa bệnh không cần giấy chuyển viện, thì sẽ vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế 100%. Cân nhắc bổ sung quy định cho phép người bệnh đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu được khám, chữa bệnh tại cơ sở cấp thấp hơn được hưởng 100% theo mức hưởng bảo hiểm y tế.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang):
Đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế cho người có thẻ bảo hiểm y tế
Về trách nhiệm của Bộ Y tế, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 4, Điều 6 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008. Theo đó, Bộ Y tế có trách nhiệm tham mưu với cấp thẩm quyền hoặc tổ chức triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm y tế; các giải pháp ưu tiên, mở rộng phạm vi mức hưởng bảo hiểm y tế; tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cơ sở; trình Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu về bảo hiểm y tế.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang)
Qua làm việc với ngành bảo hiểm, có ý kiến cho rằng, cần bổ sung thêm cụm từ “hàng năm”, để coi đó là việc làm thường xuyên, vì có thực tế, khi Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ này còn có bất cập, nhiều nhiệm vụ chưa được thực hiện kịp thời. Cụ thể như, đến nay, Bộ Y tế chưa ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đầy đủ chi tiết hướng dẫn về chẩn đoán điều trị, quy trình chuyên môn kỹ thuật thực hiện tại cơ sở khám, chữa bệnh, hoặc đã ban hành nhưng còn chung chung theo hướng mở rộng, kể cả phác đồ theo hướng dẫn điều trị chỉ định hướng mà không quy định cụ thể dùng loại thuốc gì. Điều này dẫn đến tình trạng áp dụng tùy tiện thuốc, sử dụng kỹ thuật cao trong điều trị gây gây lãng phí không cần thiết, rất ảnh hưởng đến bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng chưa ban hành quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng, kể cả xét nghiệm, chụp X - quang trong khám, chữa bệnh, dẫn đến tình trạng các cơ sở không công nhận kết quả cận lâm sàng của nhau, gây lãng phí trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Hiện ở cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế có tình trạng người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, nhưng chưa quy định về trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh như thế nào. Dự thảo Luật mới chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm y tế trong việc thanh toán, mà chưa làm rõ trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh phải hoàn trả trong trường hợp người bệnh tự mua thuốc. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ: Các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền người bệnh đã mua thuốc, vật tư y tế và trước khi người bệnh ra viện tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội, chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán. Quy định này là cần thiết để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm thủ tục hành chính, tránh tiêu cực có thể xảy ra dẫn đến những bức xúc cho người bệnh.
Đồng thời, cần bổ sung trách nhiệm của các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc đảm bảo đầy đủ kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong phạm vi được hưởng.
Thanh Hải
Hoàng Ngọc
Thanh Chi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bao-ve-quyen-loi-tot-nhat-cho-nguoi-benh-co-the-bao-hiem-y-te-post394270.html